|
Theo đơn vị thiết kế, cầu Thượng Cát được thiết kế vừa hài hòa ẩn mình trong hệ sinh thái của sông Hồng vừa mang tính biểu tượng toàn cầu. Ảnh: Đơn vị thiết kế |
Những nhịp cầu nối hai bờ sông Hồng
Tại các Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022; số 06 - NQ/TW ngày 24/1/2022; số 30 - NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, cũng như hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 700/QĐ - TTg ngày 16/6/2023 về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2065; số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2023 về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đều xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Nội với trục cảnh quan chủ đạo, mang tính biểu tượng ven sông Hồng.
Với định hướng đó, một trong những mục tiêu lớn nhất của Hà Nội trong nhiều năm tới là hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, mở rộng kết nối giao thông hai bên bờ Nam - Bắc; xa hơn là liên kết chặt chẽ với các trục không gian, đô thị vệ tinh, sinh thái quanh trục cảnh quan sông Hồng.
Cụ thể, ngay đầu năm 2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xúc tiến đẩy nhanh dự án xây dựng cầu Tứ Liên. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên.
Cùng với cầu Tứ Liên, dự án xây dựng cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng, là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. Theo phương án kiến trúc được phê duyệt, cầu Thượng Cát có chiều dài 820m, mặt cắt ngang rộng 33m, được tổ chức giao thông thành 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Cầu có 4 nhịp chính, sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu được thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên theo chủ đề “Cánh chim hòa bình”.
Ông Phạm Văn Duân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho hay, đơn vị đang thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có hoàn thiện phương án thiết kế cầu, hoàn thiện hồ sơ thi công dự án để lựa chọn nhà thầu. Nếu các công việc này hoàn thiện sớm, Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu sẽ được khởi công vào ngày 10/10/2024 (kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô).
|
Cây cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng, thành phố Hà Nội Ảnh: Đơn vị thiết kế |
Tạo các mạch nối liên kết Vùng Thủ đô
Nhắc tới những cây cầu chuẩn bị khởi công, phải kể đến cầu Hồng Hà và Mễ Sở là 2 cầu thuộc dự án giao thông trọng điểm quốc gia: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, được xác định ưu tiên triển khai trong năm 2024. Dự án cầu Mễ Sở sẽ kết nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô TP. Đồng thời tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.
Ngoài 2 cây cầu Hồng Hà và Mễ Sở, trong năm 2024, TP cũng lên kế hoạch cho dự án cầu Vân Phúc, huyện Phúc Thọ sẽ được khởi động vào Quý II/2024. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn các xã như Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) với tổng chiều dài 7,76km.
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Theo các chuyên gia đô thị, đầu tư xây dựng để hình thành các cây cầu qua sông Hồng chính là việc tạo các mạch nối để bảo đảm duy trì sự kết nối liên thông giữa các khu vực hai bên sông Hồng; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.
“Bên cạnh việc liên kết các huyết mạch giao thông, nhiều cầu vượt sông Hồng còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của đô thị Hà Nội. Có hệ thống cầu thông thương tốt, phục vụ người dân đi lại thuận tiện mới có thể tái cấu trúc đô thị, phân bố hợp lý mật độ dân cư, từ đó phát triển đồng đều kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết. |
Triệu Tâm