Sáng 25/2, tại Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu nằm trên 2 địa bàn hành chính cấp tỉnh (TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trình bày Tờ trình tại Kỳ họp
Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5km. Sơ bộ tổng mức đầu tư 11.844 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội và Trung ương; thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030.
Việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 theo quy hoạch phát triển giao thông TP; kết nối trực tiếp sang tỉnh Hưng Yên; kết hợp với hệ thống đường hướng tâm của TP có giao cắt với tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ chia sẻ và phân bổ lưu lượng, tránh tình trạng các phương tiện giao thông có nhu cầu di chuyển từ phía Bắc, Tây - Bắc của TP về phía Đông - Nam của TP phải di chuyển qua trung tâm TP, từ đó giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường hiện có như Vành đai 3, đường Giải Phóng, Đường 70...
Các đại biểu HĐND TP tham gia biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp
Ngoài ra, cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới, như: Khu đô thị Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City… Từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của TP cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô, như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.
Việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu tại thời điểm hiện nay khi toàn tuyến Vành đai 3,5 của TP Hà Nội đang được triển khai một cách đồng bộ theo quy hoạch là cần thiết.
Hồng Thái - Ảnh: Phạm Hùng