Hoàn thiện thể chế để phát triển đường sắt đô thị

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai xây dựng đường sắt đô thị (ĐSĐT) đó là nguồn lực tài chính. Các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực TOD đã đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn để mở đường cho sự phát triển của ĐSĐT.

Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng

Hội thảo khoa học phát triển hệ thống ĐSĐT của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày thứ 2 tiếp tục tập trung vào kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng hệ thống ĐSĐT. Tại phiên này, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để phát triển ĐSĐT.

Tại phiên Hội thảo với chủ đề giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất để phát triển ĐSĐT và khu vực TOD, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: “Công tác GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai dự án, để phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác GPMB, góp phần đẩy nhanh, thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó còn đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi” .

Hoan thien the che de phat trien duong sat do thi - Hinh anh 1
 Quang cảnh hội thảo

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhận định, chuyên đề GPMB, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các dự án ĐSĐT, cũng là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả của dự án đầu tư.

Ông Yao Chenjl - đại diện Tập đoàn Metro Thẩm Quyến chia sẻ: “Thu hồi đất xây dựng metro với diện tích rất lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Do vậy, quá trình GPMB sẽ gặp không ít khó khăn”.

Hoan thien the che de phat trien duong sat do thi - Hinh anh 2
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tham dự hội thảo. 

Theo ông Yao Chenjl, việc thu hồi đất, phải đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật. Kế hoạch thu hồi phải luôn được công khai rộng rãi. Quan trọng nhất là việc ổn định dược nơi ở cho người dân cũng như cuộc sống của họ không bị đảo lộn quá nhiều.

Hoan thien the che de phat trien duong sat do thi - Hinh anh 3
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên Hội thảo với chủ đề GPMB, thu hồi đất để phát triển ĐSĐT. 

Ông Lê Nết - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore nhận định, công tác GPMB ở Việt Nam hiện nay thường chậm, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án, phát sinh chi phí. Vì thế, khâu chuẩn bị mặt bằng là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình phát triển dự án metro. 

Theo ông Lê Nết, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng do thời gian thực hiện thủ tục thu hồi đất kéo dài. Do dó, cần xây dựng cơ chế tiến hành song song các bước thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB.

Huy động nguồn lực từ đất đai

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định, một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai xây dựng ĐSĐT đó là nguồn lực tài chính. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một nguồn lực tài chính quan trọng cho các dự án ĐSĐT đến từ đất đai.

Hoan thien the che de phat trien duong sat do thi - Hinh anh 4
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận phiên Hội thảo Huy động nguồn lực từ đất đai.  

Tại phiên hội thảo thứ 3, nhiều đại biểu đã đưa ra giải pháp để huy động nguồn lực từ đất đai. GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, các nước trên thế giới đã tiến hành thu giá trị đất đai bằng nhiều cách như: bán đất công hoặc cho thuê đất công đối với khu vực tư nhân; thu từ thuế đối với đất đai, tài sản gắn liền thuộc khu vực tư nhân; thu từ cho thuê các không gian liên quan đến đất như mặt nước, đất thuộc tầng ngầm, khoảng không, gọi chung là “không gian gắn liền với thửa đất”; thu từ giá trị đất đai tăng thêm; thu từ nâng cấp khu dân cư bằng cơ chế tái điều chỉnh đất đai. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể để tiếp tục nâng cấp đô thị.

Các chuyên gia cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất đều có tác dụng làm tăng giá trị đất đai. Do vậy, cần cơ chế để một phần của giá trị đất đai tăng được chuyển trở lại phục vụ cộng đồng, đầu tư hạ tầng, phát triển những công trình có lợi cho tất cả mọi người.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, đối với việc thực hiện phát triển đô thị theo mô hình TOD, cần phải có phương án thu giá trị đất đai sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Và trong mô hình TOD, chúng ta cần quan tâm tới 2 vấn đề chuyển dịch đất đai: Đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng nối giữa các “đô thị mắt lưới”; sự chuyển dịch đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị tại những “đô thị mắt lưới”.

Đối với đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng, áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất là hoàn toàn hợp lý, vì đây là các dự án hạ tầng vì lợi ích công cộng không vì mục tiêu lợi nhuận. Đối với các tuyến đường tàu điện trên cao, có thể cân nhắc thêm việc khai thác không gian dưới các tuyến đường tàu nhằm tăng khả năng sinh lợi. Đối với các tuyến đường tàu điện ngầm, việc thu hồi đất để xây dựng các ga tàu là cần thiết, ngoài ra, còn phải xem xét việc bồi thường thiệt hại cho những thửa đất bên trên đường tàu điện ngầm khi không thể xây dựng nhà quá cao tầng...

Kết luận phiên hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, việc quy hoạch TOD và lên kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt quan trọng. Nếu không đánh giá trước, xây dựng dữ liệu về quy hoạch sẽ gây lãng phí nguồn lực không thể khắc phục.

“Nguồn lực để xây dựng ĐSĐT cũng đến từ tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế, hành lang pháp lý. Khai thác nguồn lợi từ đất đai còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Những đóng góp của các chuyên gia, đều có thể được xem xét, kịp thời đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Thủ đô đặc biệt quan tâm đến phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng xác định văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, cũng chính là nguồn lực, động lực để xây dựng, phát triển Thủ đô.

PHẠM CÔNG - NGỌC TRANG/KTĐT

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h