Thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) cho biết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thông xe kỹ thuật trên lớp bê tông nhựa vào ngày 31/12/2022; sản lượng thi công đạt 78,8% giá trị hợp đồng.
Khối lượng còn lại của dự án chủ yếu, gồm: 7km tuyến chính bê tông nhựa rộng; 23km bê tông nhựa C19; 45km bê tổng nhựa C12,5; 99km bê tông nhựa tạo nhám; 40km dải phân cách giữa. Cùng với đó, đường ngang, đường gom có 550 nghìn m3 đắp nền đường K95, K98; 175 nghìn m3 móng cấp phối đa dăm, bê tông nhựa đường ngang, láng nhựa đường gom; 80km hàng rào, hộ lan, ATGT.
|
Khối lượng thi công còn lại của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn rất lớn dù hạn chót "cán đích" 30/4/2023 đã cận kề |
Ông Lê Quyết Tiến - Q.Cục trưởng Cục QLĐTXD cho hay, mặc dù các đơn vị đã nỗ lực để thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022, tuy nhiên khối lượng còn lại phải thực hiện là rất lớn, đặc biệt vẫn còn vướng mắc về thủ tục gia hạn mỏ vật liệu đắp (dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây).
"Nếu các chủ đầu tư, nhà thầu không quyết liệt, nỗ lực trong thời gian tới sẽ không đảm bảo tiến độ yêu cầu", ông Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, để đảm bảo tiến độ hoàn thành, các nhà thầu cần tiếp tục duy trì tiến độ, 3 ca, 4 kíp thi công như thời gian quý IV năm 2022, không được rút bớt máy móc, thiết bị để triển khai các dự án mới. Các dây chuyền thi công nền móng tuyến chính trước đây chuyển sang tập trung thi công đường ngang, đường gom, khẩn trương xây dựng kế hoạch cung cấp và duy trì nguồn tài chính phục vụ thi công dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
"Các nhà thầu cần nêu cao tinh thần phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành dự án", ông Tiến nói và cho biết thêm, các ban QLDA cần phối hợp, hỗ trợ các nhà thầu làm việc với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện các thủ tục gia hạn giấy phép khai thác đối với các mỏ đất đã hết thời hạn giấy phép khai thác để phục vụ thi công, hoàn thành các đường gom, đường ngang dân sinh.
Đối với việc gia hạn các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 7 (chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) cần sớm làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến để triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án.
Cùng với đó, Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cần căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các khối lượng, hạng mục công việc còn lại theo ngày, tuần, tháng của từng gói thầu. Trên cơ sở đó chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu thi công đảm bảo hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Ban QLDA Thăng cũng cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện của các nhà thầu đang chậm tiến độ, kịp thời báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh cắt giảm khối lượng hợp đồng đã giao cho các nhà thầu này thực hiện tại các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung thi công, hoàn thành dự án.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99km đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 12.577 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 10/20220 với dự kiến ban đầu hoàn thành vào cuối năm 2022, tuy nhiên, dự án đã được điều chỉnh kế hoạch hoàn thành trước ngày 30/4/2023.