Riêng trong năm 2025, TP Hà Nội đang đặt quyết tâm khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, gồm 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao, với tổng cộng 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu 4 toa, đường sắt đôi khổ 1.435mm và 1 depot tại Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm.
Theo kế hoạch, dự án có tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với dự kiến ban đầu. Dự án được phê duyệt từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2031. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án sẽ triển khai huy động lại tư vấn chung thực hiện điều chỉnh dự án để UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thi công dự án từ năm 2025… Tuyến metro số 2 khi hoàn thành sẽ tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Metro số 5 thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài hơn 38km, trong đó 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất. Công trình có tổng mức đầu tư 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố Hà Nội. Metro Văn Cao - Hòa Lạc đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc…
Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm Thành phố.