Nghiên cứu sử dụng vốn ODA cho tuyến đường sắt Ga Hà Nội - Hoàng Mai

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Liên quan đến kiến nghị sử dụng vốn ODA cho tuyến đường sắt Ga Hà Nội - Hoàng Mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá sự cần thiết, hiệu quả đầu tư, báo cáo trong tháng 9/2024.

Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 thí điểm của Hà Nội là tuyến đầu tiên do TP thực hiện, theo quy hoạch sẽ gồm 2 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và Ga Hà Nội - Hoàng Mai.

Trong đó, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ngày 8/8/2024 đã đưa vào khai thác thương mại 8 ga trên cao, còn 4 ga ngầm đang trong quá trình thi công, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm 2027); đoạn tuyến Ga Hà Nội - Hoàng Mai đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Nghien cuu su dung von ODA cho tuyen duong sat Ga Ha Noi - Hoang Mai - Hinh anh 1
ĐSĐT đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã đưa vào khai thác 8 ga trên cao từ ngày 8/8/2024. 

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA dự án tuyến đường sắt Ga Hà Nội – Hoàng Mai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá sự cần thiết, hiệu quả đầu tư của dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024.

Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai có tổng chiều dài 8,786km, đi qua 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu tại Yên Sở. Toàn tuyến đi ngầm theo đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án gần 1,8 triệu USD (tương đương 40.577 tỷ đồng). Trong đó vốn ODA của 3 nhà tài trợ ABD, AFD, KfW là hơn 1,25 triệu USD.

Dự kiến năm 2030, dự án phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày.

Mới đây, tuyến ĐSĐT số 3 tiếp tục được tính toán kéo dài đến thị xã Sơn Tây, chạy dọc theo Quốc lộ 32, tạo thành một vòng khép kín: Sơn Tây - Nhổn - Ga Hà Nội - Yên Sở - Cầu Diễn - Sơn Tây.

Đây có thể xem là tuyến ĐSĐT dài nhất với tổng chiều dài toàn tuyến trên 57km, đi qua nhiều quận, huyện, thị xã nhất của Thủ đô, kết nối Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, có vai trò và ý nghĩa quan trọng với giao thông Thủ đô.

Dự kiến khi tuyến ĐSĐT số 3 được khép kín, sẽ nâng cao năng lực vận chuyển của toàn tuyến, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho TP Hà Nội thực hiện công tác tổ chức giao thông đô thị. Qua đó, từng bước giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân.

Tin liên quan