|
Hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - đường vành đai 3 sau khi được đưa vào khai thác đã góp phần giảm ùn tắc cho khu vực. |
Không gian ngầm có tiềm năng rất lớn
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch không chỉ dự báo nhu cầu sử dụng không gian ngầm mà còn phân vùng chức năng, định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, mạng lưới giao thông, bãi đỗ xe ngầm.
Theo quy hoạch, các đầu mối giao thông lớn của Hà Nội như nhà ga đường sắt gồm cả đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia sẽ là hạt nhân để phát triển không gian ngầm phục vụ công cộng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình lấy giao thông công cộng là trung tâm), do vậy, việc khai thác không gian ngầm càng cần được chú trọng hơn nữa và cần cụ thể hóa bằng danh mục công trình, dự án sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn sắp tới, tránh việc xây dựng nhỏ lẻ, phân tán, manh mún.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, ở các đô thị lớn trên thế giới họ đã tận dụng rất tốt không gian ngầm cho cả giao thông tĩnh lẫn giao thông động. Không chỉ có tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, còn có đường bộ đi ngầm, đường hầm vượt sông, vượt núi… Ngay cả ở Việt Nam đã có nhiều công trình đường bộ ngầm được xây dựng và khai thác rất hiệu quả.
Đông quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho biết, rất nhiều tuyến đường, khu vực trong nội thành Hà Nội có thể nghiên cứu làm đường bộ đi ngầm, nhưng trước hết TP phải có một quy hoạch riêng cho đường bộ đi ngầm đồng bộ với các quy hoạch của Thủ đô. Quy hoạch cũng giống như bản hướng dẫn đặt từng mảnh ghép vào đâu cho phù hợp, ăn khớp trong một tổng thể chung. Thiếu quy hoạch không thể khai phá tiềm năng rất lớn của không gian ngầm cho giao thông, nhất là đường bộ.
Vì vậy, để sử dụng, khai thác không gian ngầm hiệu quả, bền vững cần quan tâm đến việc khảo sát và bảo đảm các yếu tố về địa chất, môi trường, nguồn nước trước khi tiến hành xây dựng công trình. Đầu tư cho công trình ngầm đòi hỏi nguồn vốn lớn, quá trình xây dựng, khai thác có nhiều yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Vì vậy, công tác chuẩn bị càng phải sát sao, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch và tầm nhìn dài hạn.
Xu hướng tất yếu của phát triển đô thị
Trong quá trình lấy ý kiến đối với đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội về phát triển không gian ngầm. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Đối với Hà Nội, Thủ đô có nhiều thuận lợi, đặc biệt là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - (Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022).
Mặc dù vậy, thực tế chứng minh, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm nhằm chia sẻ gánh nặng với hạ tầng mặt đất do nhiều yếu tố. Trong đó, nổi bật là điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban ngành liên quan...
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Công Giang, Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của không gian ngầm đô thị là tiêu chí cần thiết để đo lường mức độ hiện đại hóa của TP Hà Nội và là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị. Để xây dựng Hà Nội trở thành một TP ngày một hiện đại, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thúc đẩy quy hoạch khoa học, sử dụng hợp lý và quản lý tỉ mỉ tài nguyên không gian dưới lòng đất bằng những nỗ lực cụ thể, đồng thời xây dựng quản lý không gian ngầm chất lượng cao.
Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển không gian ngầm tốt thì phải có quy hoạch thật tốt, trong đó phải nhìn nhận được các vấn đề thực tiễn thuộc về hạ tầng không gian ngầm như hệ thống giao thông, bãi đỗ xe ngầm, đường ngầm qua đường, không gian ngầm phục vụ công cộng.
Tại Quyết định số 913/QĐ - UBND của UBND TP Hà Nội ngày 15/3/2022 về việc Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ 1/10.000, đây là cơ sở quan trọng cho Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố.
Theo Quyết định số 913/QĐ - UBND TP Hà Nội, sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm tại khu phố cổ. Các hoạt động xây dựng, khai thác không gian ngầm sẽ bị cấm tại Khu vực bảo vệ các công trình, khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị trung tâm, gồm: Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khu Cổ Loa; Khu đền Hai Bà Trưng; Khu hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.
|
Triệu Tâm