Thông tin với Báo Giao thông, Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, từ kinh nghiệm thực tế vận hành của đơn vị tại hầm Hải Vân, sau khi đưa vào sử dụng 2 ống hầm, tầm nhìn thông thoáng tăng lên 85 - 95%, số lượng sự cố giao thông giảm đáng kể, từ trung bình 3.817 vụ/năm xuống chỉ còn 585 vụ/năm. Vận hành 2 ống hầm cũng giúp giảm lượng điện tiêu thụ 30-40% do quạt gió được hạn chế sử dụng khi lưu thông trong hầm thông thoáng.
|
2 ống hầm núi Vung trên cao tốc Cam Lâm -Vĩnh Hảo. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Hiện tại, hầm Núi Vung cũng đã được đầu tư hạ tầng đáp ứng đúng điều kiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định tiêu chuẩn mới (TCVN 13878:2023 về PCCC cho hầm đường bộ).
Theo tiêu chuẩn này, hầm có chiều dài từ 500m trở lên phải có ít nhất 2 phương án phát hiện cháy độc lập gồm báo cháy tự động và thông qua hệ thống màn hình giám sát. Hệ thống báo cháy tự động trong hầm phải được phân vùng để liên động với hệ thống thông gió.
Trung tâm quản lý vận hành phải được trang bị xe chữa cháy chuyên dụng 2 đầu, xe cứu hộ 40 tấn, xe cứu thương, xe vệ sinh hầm đa chức năng…
Đáp ứng được các yêu cầu trên, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án đầu tư hoàn thiện đồng bộ và đưa vào sử dụng cả 2 ống hầm núi Vung thuộc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mỗi ống lưu thông 1 chiều với 3 làn xe nhằm tăng tính an toàn và tiết giảm chi phí.