Ngày 18/2/2021, UBND TP Hà Nội ra quyết định 772/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Hồng từ xã Ninh Sở đến xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín rộng từ 6m thành 9m có tổng mức đầu tư 106 tỉ đồng và giao cho huyện Thường Tín làm chủ đầu tư. Qua đó, UBND huyện giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng làm đại diện chủ đầu tư.
Quy mô dự án có tổng chiều dài 13,294km gồm cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường và lề đường từ 6m thành 9m rồi thảm nhựa. Cùng với đó, theo thiết kế dự án còn thi công các hạng mục như: đắp mở rộng mặt đê; xây dựng tường chạch trên mặt đê; xây dựng tường chắn chân đê; xây điếm canh đê… Tổng mức đầu tư dự án gần 106 tỷ đồng.
Để dự án sớm được triển khai, UBND huyện Thường Tín phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định. Đồng thời, ngày 26/10/2022, UBND huyện có quyết định 5282/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Hồng (đoạn từ xã Ninh Sở đến xã Vạn Điểm).
Cùng với đó, ngày 15/11/2023, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 5840/QĐ-UBND về việc cấp phép hoạt động cho chủ đầu tư liên quan đến lĩnh vực đê điều làm cơ sở pháp lý cho nhà thầu tiến hành thi công các hạng mục công trình của dự án theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt nhằm bảo đảm tiến độ công trình. Nhờ đó, đến cuối tháng 11/2023, chủ đầu tư và nhà thầu đã có đủ căn cứ pháp lý để bước đầu thi công từng hạng mục công trình. Đến nay, sau 9 tháng thi công, nhà thầu đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, vượt tiến độ kế hoạch đề ra như đã ký kết giữa các đơn vị.
Đặc biệt, trong đó nhà thầu đã hoàn thành 100% đào đắp áp trúc mở rộng mặt đê dọc toàn tuyến bảo đảm theo hồ sơ thiết kế và đã hoàn thành cơ bản gần 4km đoạn tuyến đường đê qua xã Hồng Vân, xã Thống Nhất cùng một số xã khác. Nhiều vị trí đã mở rộng và nâng cao mặt nền đê bảo đảm cao độ theo hồ sơ thiết kế khoảng 50 - 70cm.
Sau khi hoàn thành nâng cao mặt đê, nhiều vị trí lên xuống đê vào khu dân cư hoặc đi ra đường giao thông liên xã cũng như đường Tỉnh lộ 427 đã nảy sinh độ dốc quá cao gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Nhà thầu cùng UBND các xã đã kiến nghị với chủ đầu tư cũng như UBND huyện, nhưng đến nay chưa được quan tâm.
Qua khảo sát thực tế tại một số tuyến dốc đê như: dốc bến đò An Cảnh (xã Lê Lợi), dốc đê Xâm Xuyên (xã Hồng Vân) và dốc Vân La đi sang xã Tự Nhiên, trong đó đặc biệt khu vực dốc ngã ba đê Vân La nằm cuối đường Tỉnh lộ 427 là tuyến dốc đê thường xuyên có lưu lượng xe và người tham gia giao thông rất lớn.
Đoạn tuyến dốc này, quá trình thi công theo hồ sơ thiết kế dự án nâng cao mặt đường đê khoàng 50 - 70cm, cao trình thi công không cân đối, trong khi mặt cắt hẹp, làm khuất tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra tại nạn giao thông là khó tránh khỏi.
Liên quan đến nội dung việc một số đoạn dốc lên đê đang được nhà thầu thi công có nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân đã được UBND các xã, trong đó có UBND xã Hồng Vân nhiều lần kiến nghị UBND huyện và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện khảo sát tìm giải pháp điều chỉnh, bổ sung thiết kế.
Đồng thời, do tại một số vị trí dốc đê theo hồ sơ thiết kế cũ không thiết kế hạng mục kè mái khiến thời gian qua, sau khi nhà thầu thi công nâng cao cốt nền đường đã làm sạt trượt, trôi đất cát xuống hệ thống đường giao thông và khu dân cư, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường.
Do vậy, UBND huyện Thường Tín và chủ đầu tư dự án cũng cần xem xét điều chỉnh bổ sung thiết kế hạng mục kè mái đê đoạn đi sang khu dân cư thuộc các xã: Hồng Vân, Tự Nhiên, Chương Dương… Qua đó sẽ giúp người và phương tiện giao thông đi lại an toàn, đồng thời tạo cảnh quan và mỹ quan cho khu vực.
Công Tâm