TP Hồ Chí Minh mong muốn cảng Cần Giờ sớm thành hiện thực

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc điều chỉnh quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện là rất cần thiết.

Chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

TP Ho Chi Minh mong muon cang Can Gio som thanh hien thuc - Hinh anh 1
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021-2030 rất cần thiết. Bởi, đến năm 2030, các khu cảng hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu cầu hàng hóa thông qua cảng.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa thực tế thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 164,19 triệu tấn. Nếu tính theo tỷ lệ tăng trưởng bình quân 3,8 %/năm (tỷ lệ tăng trưởng bình cảng biển nhóm 4 theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021), đến năm 2030 là 229,67 triệu tấn; đến năm 2035 là 276,76 triệu tấn; đến năm 2040 là 333,49 triệu tấn; đến năm 2050 là 484,24 triệu tấn.

Khu bến Cát Lái - Phú Hữu giữ nguyên quy mô hiện hữu, sản lượng hàng hóa 2018 - 2022 giảm từ 93 đến 85 triệu tấn/năm. Dự kiến đến 2030 sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 85 triệu tấn năm.

Khu bến trên sông Nhà Bè chủ yếu là hàng lỏng, sản lượng hàng hóa 2018 - 2022 dao động từ 15 đến 16 triệu tấn năm. Dự kiến đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 16 triệu tấn/năm.

Khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, sản lượng hàng hóa 2018 - 2022 dao động từ 13 đến 14 triệu tấn/năm. Dự báo nếu tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến năm 2030 đạt 43 triệu tấn.

Khu bến trên sông Sài Gòn hoạt động theo hiện trạng và thực hiện di dời đến năm 2030. Sản lượng hàng hóa 2018 - 2022 dao động từ 25 đến 27 triệu tấn năm. Dự kiến công suất quy hoạch đến năm 2030 là 0 triệu tấn.

Khu vực các bến phao trên sông Gò Gia, sông Ngã Bảy... sản lượng hàng hóa năm 2022 đạt 19,6 triệu tấn. Dự kiến nếu tăng trưởng bình quân 3,8%/năm, đến năm 2030 đạt 26 triệu tấn.

Như vậy sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua của khu bến cảng hiện hữu (Khu bến Cát Lái - Phú Hữu, Khu bến trên sông Nhà Bè, Khu bến Hiệp Phước, Khu bến trên sông Sài Gòn) đến năm 2030 là 170 triệu tấn.

So với nhu cầu hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, khả năng đáp ứng hàng hóa thông qua cảng biển còn thiếu 229,67-170=59,67 triệu tấn. Do đó cần thiết xây dựng cảng mới ở khu vực Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo đáp ứng sản lượng hàng hóa của cảng biển TP đến năm 2030 và nhu cầu tăng trưởng sản lượng hàng hóa vận tải đường biển của thành phố trong giai đoạn sau năm 2030.

Đại diện Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT sớm tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 1579/QĐ-TTg theo hướng: Điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 - 2030; Bổ sung công năng là cảng trung chuyển quốc tế tại khu bến cảng Cần Giờ; Điều chỉnh cảng biển TP Hồ Chí Minh từ cảng biển loại 1 thành cảng biển đặc biệt; Cập nhật nội dung điều chỉnh này trong hồ sơ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

TP Ho Chi Minh mong muon cang Can Gio som thanh hien thuc - Hinh anh 2
 Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, để điều chỉnh quy hoạch bến cảng Cần Giờ từ tiềm năng thành hiện thực, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam khởi động ngay tiến trình theo Quyết định số 1579, phối hợp với vụ KHĐT khẩn trương làm việc với Bộ KHĐT để thống nhất lộ trình triển khai.

Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không chỉ Bộ GTVT mà TP Hồ Chí Minh cùng gánh vác. Cụ thể, theo Nghị quyết 154 của Chính phủ, Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm nay. 

Theo Thứ trưởng, cần phải thực hiện song song nhiều nhiệm vụ, trong đó, kết quả của đề án làm cơ sở khoa học cho quy hoạch được duyệt, sau khi có quy hoạch phải có đề xuất đầu tư. Cả 3 việc này cần làm song song.

Thứ trưởng đề nghị UBND thành phố giao Cảng Sài Gòn xây dựng đề án để thành phố lấy ý kiến, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất cao với những đánh giá và định hướng của Bộ GTVT. Đồng thời cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ giao ngay cho các đơn vị liên quan thực hiện, phối hợp với cảng Sài Gòn để đẩy nhanh xây dựng đề án và các nội dung theo yêu cầu. 

Ông Bùi Xuân Cường cho rằng, cần tiếp tục đồng bộ, cập nhật, điều chỉnh theo Quy hoạch 1579 gắn với Nghị Quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ về xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tập trung đánh giá về quy mô, tính khả thi. Trên cơ sở Quy hoạch 1579 sẽ có thêm một chuyên đề gắn với chi tiết của nhóm cảng số 4.

Liên quan đến kết nối liên vùng, ông Bùi Xuân Cường cho hay, trong ngắn hạn, luồng tuyến của sông Sài Gòn cơ bản ổn… Riêng đối với hai cây cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước cần cải thiện tĩnh không để nâng năng lực lưu thông cho đường thủy. Trong tháng 3 này sẽ đưa vào kỳ họp HĐND TP. Hiện, Sở GTVT đã đề xuất xây dựng hai cây cầu này, cố gắng đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để tháng 6 có thể đưa vào đấu thầu. Ngoài ra, đang thi công các công trình để giải quyết lưu thông trên đường bộ…

Tin liên quan