Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành

TRẦN NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chính phủ vừa trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành. Bên cạnh đề xuất nới thời hạn hoàn thành đến cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025, dự án sẽ bố sung 1 đường cất hạ cánh trong giai đoạn 1.

Trong tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.

Thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư Giai đoạn 1 tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thị điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Như vậy, ngoài việc tiến độ hoàn thành được nới đến cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ có thêm 1 đường cất hạ cánh.

Trinh Quoc hoi dieu chinh chu truong dau tu Du an san bay Long Thanh - Hinh anh 1
 Phối cảnh sân bay Long Thành.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - chủ đầu tư Dự án thành phần 3, việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất hạ cánh số 1 đang đầu tư 400m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh gặp sự cố.

Hiện nay, để đảm bảo tĩnh không khai thác của đường cất hạ cánh số 1, nền của đường cất hạ cánh số 3 đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế, chỉ cần xây dựng kết cấu mặt đường và lắp đặt trang thiết bị là có thể khai thác. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng nên không vượt tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng của Dự án thành phần 3.

Chính phủ khẳng định, việc đầu tư này, không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dự án mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.

 

Tin liên quan