Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), hơn một tháng qua, đã được đưa về công trường khoảng 50.000m3 cát. Số cát này được khai thác từ mỏ cát Bình Phước Xuân trên sông Tiền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Được biết, mỏ cát trên có tổng trữ lượng gần 3,3 triệu m3, nhưng khối lượng đủ điều kiện sử dụng cho dự án chỉ khoảng 2,3-2,4 triệu m3. Toàn dự án còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3.
|
Tìm cách tháo gỡ khó khăn để sớm đưa cát về công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: N.V |
Đánh giá chất lượng cát trên sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ có nhiều tạp chất hữu cơ, bùn nên không đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng cho thiết kế đường cao tốc. Chủ đầu tư ngoài việc đề nghị An Giang hỗ trợ đã tiếp tục làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng để nhờ xem xét, hỗ trợ cấp thêm mỏ cát trên địa bàn.
Cụ thể, hồi tháng 8/2023, sau khi làm việc với Sở TN&MT Tiền Giang, chủ đầu tư và nhà thầu đã khảo sát mỏ Cái Thia và một số mỏ cát khác trên sông Tiền. Sau đó, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị hỗ trợ cát cho dự án.
Cuối năm 2023, chủ đầu tư có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Long và Sở TN&MT tỉnh này về việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục xin gia hạn giấy phép khai thác mỏ cát trên sông Hậu, đoạn thuộc xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Hồi cuối năm 2023, chủ đầu tư cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng về việc hỗ trợ nguồn cát biển phục vụ cho dự án. Tỉnh Sóc Trăng cho biết việc khai thác cát biển làm vật liệu san lấp dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù phải chờ ý kiến, hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương.
Thực tế, từ lúc thành phần dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng loạt khởi công, Trung ương và bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề cát san lấp cho dự án.
Mới đây, hôm 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi thị sát dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tại đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo nhanh chóng tháo gỡ vấn đề vật liệu cát để lấy lại tiến độ cho dự án.
Theo Thủ tướng, có khó khăn gì thì địa phương, chủ đầu tư báo cáo Chính phủ. Các địa phương có dự án đi qua phải sắp xếp thời gian làm việc với nhau để tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, sớm đưa dự án về đích.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.