Bộ GTVT nói gì về đề xuất chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện Cảng hàng không Phan Thiết

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa có ý kiến liên quan tới đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận chấm dứt hợp đồng BOT và xin chủ trương chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Bo GTVT noi gi ve de xuat chi dinh nha dau tu thay the thuc hien Cang hang khong Phan Thiet - Hinh anh 1
 Sân bay Phan Thiết đang được xây dựng. Ảnh: Internet.

Theo Bộ GTVT, dự án sân bay Phan Thiết được đầu tư theo hình thức BOT, được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 9/2014. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng cho phép chấm dứt hợp đồng đối với dự án là phù hợp.

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự), hạng mục hàng không quân sự đang được Bộ Quốc phòng đầu tư và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.

Theo đó, sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (từ cấp sân bay 4C lên 4E) như quy hoạch, nếu tổ chức các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư BOT các hạng mục hàng không dân dụng theo quy định thì sớm nhất đến tháng 8/2024 mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư thay thế để triển khai dự án.

Dự kiến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng sẽ không đảm bảo khai thác, vận hành đồng bộ giữa các hạng mục quân sự và dân dụng; ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự.

"Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là có cơ sở" - Bộ GTVT nhận định.

Văn bản của Bộ GTVT cũng nêu rõ: Theo quy định tại Luật PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là một nội dung trong quyết định phê duyệt dự án PPP.

Hiện nay, có 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: Đấu thầu rộng rãi, Đàm phán cạnh tranh, Chỉ định nhà đầu tư và Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trong đó việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong hai trường hợp: Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, hoặc dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.

Tại văn bản của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn "Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, căn cứ vào đặc điểm, tính chất đặc thù của từng dự án, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ có ý kiến cụ thể về nội dung bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia".

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư của dự án theo quy định.

Thông tin thêm, Bộ GTVT cho hay đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Cảng hàng không Phan Thiết được định hướng quy hoạch với công suất 2 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030.

"Hiện nay, nhu cầu vận tải hàng không khu vực tỉnh Bình Thuận chủ yếu được đáp ứng thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hoặc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc sớm đầu tư, đưa vào khai thác Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Tin liên quan