|
Sân bay Côn Đảo chờ phương án nâng cấp mở rộng. |
Hai kịch bản đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Công văn số 1315/CHK-KHĐT là việc Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền huy động, triển khai thực hiện dự án theo phương thức PPP; nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư Cảng hàng không Côn Đảo theo Quyết định 1121/QĐ-TTg ngày 22/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp không hấp dẫn các nhà đầu tư (sau khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các bước liên quan để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP nhưng không có nhà đầu tư tham gia), Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án đầu tư công.
Trước đó, tại Công văn số 1774/BGTVT-KHĐT ngày 24/2/2023, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ động thăm dò, khảo sát sơ bộ mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc đầu tư và khai thác Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP. Trên cơ sở kết quả khảo sát sơ bộ, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
“Trường hợp việc triển khai theo phương thức PPP không hấp dẫn nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn đầu công theo hướng đồng bộ một lần, bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, báo cáo Bộ GTVT”, Công văn số 1774/BGTVT-KHĐT do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Để có phương án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đồng bộ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn khẩn trương tính toán kỹ lưỡng các phương án chiều dài đường cất hạ cánh, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình khai thác; rà soát lại tổng mức đầu tư của các phương án để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn còn được giao nghiên cứu bổ sung phương án điều chỉnh quy hoạch, trong đó có phương án điều chỉnh vị trí hoặc hướng đường cất hạ cánh để bảo đảm khai thác và không cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển; tính toán, so sánh về kinh phí, trình tự, thủ tục, tiến độ thực hiện… với phương án quy hoạch đã được phê duyệt, báo cáo Bộ GTVT việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu cần thiết).
Về sự quan tâm đối với việc đầu tư và khai thác Cảng hàng không Côn Đảo, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngày 23/2/2023, Công ty cổ phần An sinh cộng đồng quốc tế đã có Văn bản số 23/CV/2023 gửi Bộ GTVT bày tỏ sự quan tâm và đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không lưỡng dụng Côn Đảo.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy, hiện tại, đã có nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Côn Đảo. Đây cũng là đơn vị liên tục gửi đề xuất đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không lưỡng dụng Côn Đảo tới UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ GTVT trong suốt 2 năm qua.
Đầu tư đồng bộ một lần, tránh gây lãng phí nguồn lực
Liên quan đến phương án đầu tư đồng bộ, đảm bảo an toàn khai thác Cảng hàng không Côn Đảo theo chỉ đạo của Bộ GTVT, tại Công văn số 1315/CHK-KHĐT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã chỉ đạo nhà thầu liên danh tư vấn ADCC-TEDI phối hợp với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vietstar rà soát, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng trên cơ sở nhu cầu thực tế của các hãng để xem xét, đánh giá phương án kéo dài đường cất hạ cánh theo chủ trương được duyệt.
Cụ thể, trường hợp khai thác đến Côn Đảo với đường cất hạ cánh kích thước 1.830 x 45 m như quy hoạch và chủ trương đầu tư được duyệt bằng tàu bay code C (tàu bay Boeing737 hoặc Airbus A320/321 hoặc tương đương), thì phải giảm tải tương ứng khoảng 15 - 18 tấn, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả về thương mại.
Để đáp ứng mục tiêu đảm bảo tính toàn diện, ổn định và lâu dài; phát huy tối đa hiệu quả khai thác và nhu cầu phát triển dài hạn; đảm bảo khai thác an toàn Cảng hàng không Côn Đảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã yêu cầu tư vấn thiết kế tính toán lại các phương án và chiều dài đường cất hạ cạnh.
Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phương án dài hạn đảm bảo khai thác hiệu quả các chủng loại tàu bay code C đường cất hạ cánh cần thiết phải kéo dài đạt 2.400 m. Với phương án kéo dài này, tổng mức đầu tư dự kiến trên 9.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí khôi phục hệ sinh thái biển).
Tại phương án từng được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ vào tháng 1/2023, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo sẽ bao gồm Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn trị giá 1.680 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách do Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng các công trình bảo đảm hoạt động bay trị giá 170 tỷ đồng do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bỏ vốn đầu tư; Dự án Xây dựng sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khu hàng không dân dụng trị giá 2.400 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đầu tư bằng nguồn vốn tự có và vay thương mại.
Phương án này, theo Bộ GTVT, đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Công văn số 1277/BKHĐT gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo cần đảm bảo có tầm nhìn, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế, tránh đầu tư nhiều lần gây lãng phí nguồn lực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, Bộ GTVT làm rõ các vấn đề về khả năng huy động nguồn lực của ACV, bổ sung nguồn vốn đầu tư công, cam kết và tiến độ triển khai của các bên liên quan của các dự án thành phần đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo đúng quy mô phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Côn Đảo trong giai đoạn tới, đảm bảo đầu tư đồng bộ các hạng mục nhà ga, sân đỗ, đường cất hạ cánh.