Từ các vụ tai nạn liên hoàn, thảm khốc thời gian qua:

Có nên cấm dép lê, giày cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông?

SAN TÚ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nếu đi giày dép, sử dụng kính, mũ, quần áo không phù hợp khi tham gia giao thông có thể gây mất tập trung, thiếu cảm giác và hoàn toàn có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc. Vậy có nên luật hóa quy định trang phục lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông?

Gây tai nạn do tài xế mang trang phục không phù hợp

Thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều vụ tai nạn liên hoàn, thảm khốc do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân là người điều khiển phương tiện mang trang phục không phù hợp như giày cao gót, dép lê...

Co nen cam dep le, giay cao got khi dieu khien phuong tien giao thong? - Hinh anh 1
Hình ảnh lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh bước xuống ở cửa phụ, chân mang đôi dép lê. 

Liên quan vụ lái xe ô tô gây tai nạn trên đường Võ Chí Công, Công an quận Tây Hồ tiếp tục gia hạn tạm giữ lần 2 đối với lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh (Bồ Đề, Long Biên). Trước đó, lúc hơn 16h ngày 5/4, ông Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển ô tô gây tai nạn liên hoàn, đâm vào 17 xe máy, khiến 18 người bị thương. Sau khi gây ra tai nạn, ông Hoàng Ngọc Vĩnh bước xuống từ cửa phụ, chân đi đôi dép lê. 

Trước đó, vào ngày 20/11/2019, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra khu vực ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) cũng có yếu tố về trang phục lái xe khi nữ tài xế đi giày cao gót. Nữ tài xế khai nhận khi đến ngã tư thấy một số xe phía trước nên định đạp phanh dừng xe. Tuy nhiên, do mang giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên nữ tài xế này đã đạp nhầm chân ga làm xe tăng tốc, lao thẳng vào các xe phía trước, cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm khiến 1 phụ nữ tử vong.

Qua thống kê các vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra trên đường cao tốc hoặc trong phố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người thì có một nguyên nhân rất đáng chú ý, đó là người điều khiển phương tiện mang trang phục không phù hợp, đặc biệt là mang giày dép, kính, mũ không phù hợp dẫn đến mất tập trung, thiếu cảm giác nên không làm chủ được phương tiện. Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa quy định bắt buộc về trang phục của người điều khiển phương tiện giao thông, tuy nhiên vẫn có những khuyến cáo không nên sử dụng giày cao gót, dép lê... điều khiển phương tiện giao thông.

Với đặc điểm thiết kế của xe ô tô là điều khiển tốc độ bằng chân, giảm tốc độ cũng bằng chân. Chân phải của người lái xe ô tô vừa sử dụng để đạp ga, vừa sử dụng để đạp phanh, nếu đi các loại giày dép không phù hợp, với những người mới lái hoặc với trường hợp xe mới, chưa quen xe thì rất dễ nhầm lẫn giữa chân phanh và chân ga. Những loại giày dép không phù hợp như giày dép cao gót, dép lê rất khó để điều khiển khi đạp chân ga hoặc đạp phanh, dễ gây nhầm lẫn. 

Đối với việc đi giày dép quá chật hoặc quá rộng cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác khi lái xe. Với những đôi giày dép quá rộng thì khi đạp phanh sẽ không tới hoặc có thể bị tuột ra kẹp vào chân ga hoặc chân phanh gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia giao thông. Nếu đi giày dép quá chật, có đế cao, quá cứng... cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác, có thể gây tê chân, mất cảm giác khi điều khiển phương tiện. Ngoài ra, các trang phục khác như quần áo quá chật, kính màu, mũ lưỡi trai hoặc những đồ dùng phương tiện khác khiến cho người điều khiển phương tiện không thoải mái, khó quan sát, mất tập trung cũng có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông...

Chính vì vậy, việc lựa chọn các trang phục (giày, dép, quần áo, kính, mũ...) phù hợp khiến cho người điều khiển phương tiện cảm thấy thoải mái, tập trung, cảm giác tay lái và cảm giác chân tốt thì mới điều khiển phương tiện một cách an toàn, giảm thiểu những mối nguy hiểm có thể xảy ra từ cảm giác của người lái gây ra. 

Co nen cam dep le, giay cao got khi dieu khien phuong tien giao thong? - Hinh anh 2
 Nữ tài xế đi giày cao gót rời khỏi chiếc xe Mercedes ngay sau khi gây tai nạn liên hoàn xảy ra khu vực ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) hồi tháng 11/2019

Phòng ngừa các vụ tai nạn thảm khốc có thể xảy ra

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới đã có lệnh cấm người điều khiển phương tiện đi giày dép cao gót hoặc những loại giày dép không phù hợp; nhiều quốc gia cũng có khuyến cáo, cảnh báo với người điều khiển phương tiện giao thông. 

Ở Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về trang phục khi điều khiển phương tiện giao thông, tuy nhiên qua những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện đi giày dép không phù hợp thì các cơ quan chức năng cũng đã có những khuyến cáo để người điều khiển phương tiện sử dụng các loại giày dép, quần áo, mũ, kính phù hợp để không ảnh hưởng đến quá trình quan sát cũng như điều khiển phương tiện...

Luật sư Đặng Văn Cường cũng dẫn chứng ở Pháp, năm 2014, Chính phủ Pháp đã ban hành quy định cấm nữ giới đi giầy cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu bị phát hiện, hình thức xử phạt không khác gì các lỗi vi phạm an toàn giao thông thông thường. Quy định cấm này cũng đã phát huy nhiều tác dụng, là giải pháp ngăn ngừa những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do phụ nữ đi giày cao gót gây ra.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Canada, Australia..., chính phủ rất quan tâm đến nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trong đó có nguyên nhân về việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng những trang phục không phù hợp. Hiện nay, ở các quốc gia trên chưa cấm người điều khiển phương tiện mang giày dép cao gót trong lúc điều khiển phương tiện nhưng đều có quy định rằng, tài xế cần phải đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để xử lý kịp thời trong khi lái xe.

Chẳng hạn, tại Anh, theo quy định trong Luật Đường cao tốc của nước này, tài xế cần phải đi giày và mặc quần áo không ảnh hưởng tới việc kiểm soát phương tiện đúng cách. Điều này đồng nghĩa với việc những phụ nữ đi giày dép cao gót, những giày quá cứng, đế dày quá dày hoặc quá chật làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện giao thông thì cảnh sát có thể nhắc nhở, cảnh cáo, thậm chí có thể xử phạt.

Hiện nay, pháp luật của nước ta chưa có điều luật nào cấm phụ nữ lái ôtô, xe máy đi giày cao gót. Tuy nhiên qua nghiên cứu thực tiễn và trong các giáo trình về lái xe đều có nội dung về việc đi giày cao gót lái xe sẽ tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cảm giác khi điều khiển phương tiện. 

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc xem xét bổ sung quy định cấm trang phục không phù hợp khi lái xe. Trường hợp đưa ra lệnh cấm thì cần phải quy định rõ những trang phục nào và quy định các chế tài kèm theo để đảm bảo tính khả thi của quy định mới.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, việc sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hoàn toàn có thể gây ra những thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Bởi vậy, pháp luật quy định đòi hỏi bắt buộc người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo an toàn giao thông, các quy định đưa ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn có thể xảy ra; trong đó, có những quy định liên quan đến khả năng tập trung, tầm nhìn, các thao tác điều khiển phương tiện khi gặp tình huống trên đường. Bởi vậy, những quy định về trang phục của người điều khiển phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn cũng là nội dung quan trọng cần phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra những quy định phù hợp để giảm thiểu những tai nạn rủi ro có thể xảy ra.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, mặc dù việc sử dụng trang phục nào là quyền tự do công dân nhưng khi điều khiển phương tiện giao thông thì đó là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu sử dụng trang phục không phù hợp hoàn toàn có thể là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn liên hoàn. Bởi vậy, việc sử dụng trang phục như thế nào đối với người điều khiển phương tiện giao thông cần đưa vào các giáo trình, bài học, khuyến cáo trên phương tiện giao thông. 

“Ngoài ra, đánh giá nguyên nhân các vụ tai nạn thời gian gần đây, trong trường hợp có nhiều vụ tai nạn do nguyên nhân từ trang phục thì cần có những quy định cụ thể về trang phục của người điều khiển phương tiện giao thông. Thậm chí, đưa vào điều cấm liên quan đến những trang phục có thể gây nguy hiểm khi điều khiển phương tiện phải kèm theo đó là các mức phạt khác nhau để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo và phòng ngừa những vụ tai nạn thảm khốc có thể xảy ra” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

 

Tin liên quan