|
Hiện trường vụ tai nạn sáng 16/9 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân, khiến học sinh lớp 2 tử vong. Ảnh: Ngọc Oanh |
Những vụ việc điển hình
Ngày 2/10, thông tin từ UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, vụ việc phụ huynh đi ô tô vào giữa sân trường rồi đâm vào một nữ sinh khiến nữ sinh này bị thương đã tiến hành hòa giải dân sự. Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, em nữ sinh bị thương đã được đưa cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Móng Cái để kiểm tra sức khỏe. Rất may nữ sinh chỉ bị xây xát phần mềm.
Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vụ việc và hai bên thống nhất hòa giải dân sự, không có khiếu kiện gì thêm. Trường THPT Chu Văn An đã báo cáo vụ việc với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh. Đại diện nhà trường cũng cho biết, ngay từ đầu năm đã có quy định và tuyên truyền cho phụ huynh không được đi xe ô tô vào khu vực sân. Tuy nhiên, do sơ suất của bảo vệ trực cổng và ý thức chấp hành của phụ huynh, nên đã xảy ra vụ việc tai nạn đáng tiếc trên.
Trước đó, khoảng 12h15 ngày 1/10, chị T.T.M.H, là phụ huynh học sinh lớp 10A2, Trường THPT Chu Văn An đã điều khiển xe ô tô mang biển số 14A - 047.85 để đưa con đến trường. Dù bảo vệ đã ngăn chặn, nhưng phụ huynh này vẫn cố tình điều khiển ô tô vào sân trường nên đã tông vào xe đạp điện do em P.T.T.H, là học sinh lớp 10A3 điều khiển, khiến em này bị thương, mắc kẹt dưới gầm ô tô. Ngay sau sự việc xảy ra, nhiều học sinh đã chạy tới hiện trường, nâng chiếc ô tô lên để giải cứu bạn đang bị mắc kẹt trong gầm.
Đại diện Trường THPT Chu Văn An cho biết, sẽ chấn chỉnh ý thức chấp hành của phụ huynh cũng như tăng cường công tác đảm bảo trật tự, tuyệt đối không để xảy ra vụ việc tương tự như trên.
Trước đó, sáng 16/9, người đàn ông 32 tuổi lái ô tô bán tải chở con đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, xã Ea Sin (tỉnh Đắk Lắk). Do trời mưa, người này chở con vào tận lớp học. Khi lùi xe, tài xế tông 3 học sinh nữ đang che chung một chiếc ô tại sân trường. Cú tông khiến các học sinh ngã ra sân, bé gái lớp 2 tử vong tại chỗ, hai em còn lại xây xát nhẹ.
Theo ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, thời điểm xảy ra vụ việc bảo vệ vừa ra phía sau khu tập thể nhà trường để bơm nước nên không kịp ngăn phụ huynh nói trên và sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ khoảng 2 phút. Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, theo quy định, ô tô không được đi vào sân trường để đưa đón học sinh. Sau vụ việc, lái xe gây tai nạn này cũng bày tỏ ân hận về sự thiếu cẩn trọng của bản thân, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hiện, CA huyện Krông Búk đang làm rõ thêm một số vấn đề để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trách nhiệm người liên quan
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các trường học đều có các quy định riêng, trong đó có quy định cấm phụ huynh đi xe máy, ô tô vào sân trường. Một số trường chỉ cho đi xe máy đưa đón con vào sân trường khi trời mưa to, còn ô tô thường là cấm. Việc đi xe máy hay ô tô vào trong trường đón con dù có vi phạm quy định của nhà trường thì cũng chỉ bị nhắc nhở, nhưng khi xảy ra sự cố tông vào học sinh, người tông xe và các cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, việc tông xe vào học sinh trong sân trường trước hết trách nhiệm thuộc về ban giám hiệu nhà trường vì đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát, để xe có thể đi vào sân khuôn viên của trường học, nơi các cháu học tập.
Ngoài ra, Công văn số 16609/BGDĐT-GDCTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 27/4/2018 cũng đã quy định về việc bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục quy định: các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến trung học phổ thông). Trong đó, không cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, đối với trường hợp lái xe gây tai nạn trong sân trường, tuỳ từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ - CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người thực hiện vi phạm buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bị hại để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, với trường hợp phụ huynh tông vào học sinh làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 10 năm tù.
Ngoài ra, căn cứ quy định Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại...
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thái An