Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong quý I/2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 1,3 triệu ô tô, trong đó, hơn 203.000 lượt ô tô không đạt lần đầu phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
|
Ảnh minh hoạ. |
Ghi nhận tại Trung tâm Đăng kiểm 29.03V (Đống Đa, Hà Nội), nơi chủ yếu đăng kiểm cho xe con cho thấy hệ thống phanh và đèn vẫn là 2 lỗi hư hỏng, khiếm khuyết khiến ô tô đăng kiểm tại đây trượt kiểm định lần đầu nhiều nhất.
Tương tự tại Trung tâm Đăng kiểm 29.08D (Hoài Đức, Hà Nội), tỷ lệ ô tô không đạt đăng kiểm lần đầu tại đơn vị là 11%. Trong đó, đứng đầu lỗi lần đầu là hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu. Tiếp đến là hệ thống phanh và thứ 3 là hệ thống lái và lỗi phát thải môi trường.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 1908D (Phú Thọ), 3 tháng đầu năm 2024, tại đơn vị có 260/1.971 phương tiện không đạt kiểm định (chiếm 13,19%), trong đó có 65 trường hợp không đạt do hệ thống điện, đèn.
Theo các đơn vị đăng kiểm, nếu như quy định cũ, ô tô "độ" đèn (thay đổi cụm đèn chiếu sáng phía trước) khi đi đăng kiểm chỉ cần đưa phương tiện vào máy đo chỉ tiêu ánh sáng (màu sắc, cường độ sáng, chùm sáng…) nếu đạt theo yêu cầu sẽ đạt hạng mục kiểm tra về đèn.
Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 43/2023, các trường hợp thay đổi cụm đèn chiếu sáng, chủ xe đưa phương tiện đi đăng kiểm phải xuất trình được giấy công bố hợp quy của cụm đèn này hoặc trên cụm đèn phải có tem chứng nhận hợp quy. Nếu không, lập tức xe không đạt hạng mục kiểm tra về đèn, chưa cần phải đo chỉ tiêu ánh sáng đèn bằng máy kiểm tra.
Chủ xe cần tìm hiểu kỹ quy định trước khi "độ" đèn. Trong trường hợp thay cụm đèn chiếu sáng, bắt buộc cụm đèn đó phải được chứng nhận hoặc công bố hợp quy, đồng thời phải xin lại giấy này để xuất trình khi đi đăng kiểm.
Đối với những lỗi khác, chủ phương tiện nên kiểm tra, khắc phục khiếm khuyết, hư hỏng (nếu có) trước khi đưa xe đi đăng kiểm tránh không đạt phải quay đi quay lại nhiều lần.
Cả nước hiện có 294 trung tâm đăng kiểm và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định. Trong đó, có 279 trung tâm đang hoạt động với 455 dây chuyền kiểm định. Trong 3 tháng đầu năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện đăng cảnh báo trên 11.600 phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính và gỡ cảnh báo 827 phương tiện đã khắc phục vi phạm hành chính.