[Ảnh] Công nhân xuyên đêm sửa khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ ngày 25/2, cầu Vĩnh Tuy được các đơn vị thi công thay thế 14 khe co giãn và sửa chữa hư hỏng mặt cầu, dự kiến sẽ hoàn thành trước 25/4.

Cầu Vĩnh Tuy có tổng chiều dài 5,8km, trong đó phần cầu chính vượt sông Hồng dài 3,778 km. Bề rộng mặt cầu 19,8m, bề rộng phần xe chạy là 18,8m. Phía bờ Nam kết nối với đường Minh Khai và đường đê Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng); phía bờ Bắc kết nối với đường Cổ Linh (quận Long Biên).
Theo ông Mai Xuân Anh - Cán bộ Ban Duy tu các công trình Giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), cầu Vĩnh Tuy đã được đưa vào hoạt động trên 10 năm, là cây cầu có lưu lượng phương tiện lưu thông rất cao, vượt quá thiết kế. Do đó, phần mặt cầu và một số khe co giãn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được thay thế, sửa chữa.
“Qua quá trình đánh giá, khảo sát và được sự chấp thuận của TP, từ ngày 25/2, cầu Vĩnh Tuy được đơn vị thi công là Liên danh công ty CP Cơ khí 41 Thăng Long và công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long tiến hành sửa chữa mặt cầu tại 3 nhịp N7, N8, N9, đồng thời thay thế 14 khe co giãn. Tổng giá trị xây dựng theo hợp đồng là 8,2 tỷ đồng” - ông Mai Xuân Anh thông tin.
Toàn bộ công tác sửa chữa mặt cầu và thay thế khe co giãn được các đơn vị thi công thực hiện trong khoảng từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Hiện có 2 mũi thi công độc lập so le nhau theo 2 hướng.
Đại diện Nhà thầu thi công, Phó giám đốc phụ trách công ty CP Cơ khí 41 Thăng Long Nguyễn Hoàng Anh cho biết, khe co giãn cầu Vĩnh Tuy trước đây là loại khe cao su cốt bản thép, được thay bằng loại khe răng lược bản thép do Việt Nam thiết kế và chế tạo.
Tại mỗi mũi thi công, đơn vị huy động từ 10 - 12 người, trong đó có 3 - 4 người thường xuyên đứng chốt cảnh giới, phân luồng và hướng dẫn giao thông.
“Việc thi công sửa chữa, thay thế khe co giãn cầu được thực hiện hết sức cẩn thận. Chúng tôi không sử dụng các máy móc cơ giới mà chỉ sử dụng các máy đục, khoan, cắt thủ công để đảm bảo kết cấu công trình. Mỗi mũi thi công sẽ thay thế được 1 khe co giãn trong thời gian khoảng 1 tuần” - ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Để đảm bảo giao thông tại cầu Vĩnh Tuy, các đơn vị thi công bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo và đèn tín hiệu trên từng đoạn thi công, đảm bảo cho các phương tiện đi lại thuận lợi.
Theo ghi nhận, công tác thay thế khe co giãn được thực hiện vào ban đêm, lượng phương tiện qua lại ở mức thấp, do đó không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực thi công.

Hoàng Hiệp - Thành Luân

Tin liên quan