Bộ Công an nói gì về việc quy định nồng độ cồn bằng 0?

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày 29/4, Bộ Công an vừa có một số nội dung thông tin về những đề xuất mới trong dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ thứ 7 tới của Quốc hội. Theo đó, Bộ Công an kiên quyết giữ nồng độ cồn bằng 0.

Theo Bộ Công an, quá trình hoàn thiện dự thảo luật đã cùng Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại một số bệnh viện lớn của Việt Nam. Kết quả, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người. Do đó, các nhà khoa học đều đồng thuận cao về việc phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.

 

Thời gian qua, cơ quan chức năng ghi nhận những con số đáng báo động về tác hại của rượu, bia. Từ tháng 6/2022 - 12/2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ. Trong đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.

 

Bo Cong an noi gi ve viec quy dinh nong do con bang 0? - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

Cũng theo Bộ Công an, năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

 

Do đó, cơ quan soạn thảo thấy cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

 

Bên cạnh đó, rượu bia còn là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

Bộ Công an còn đánh giá, việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.

 

Với những lý do nêu trên và tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Công an khẳng định, việc cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông dần hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe.

 

Tin liên quan