Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, QL217 qua tỉnh Thanh Hóa dài 210km, quy mô cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.
Bộ GTVT đã đầu tư nâng cấp đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Na Mèo và đoạn từ đường ven biển Nga Sơn đến QL1 với quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe. Đoạn từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh chưa được nâng cấp theo quy hoạch được duyệt (trong đó có đoạn dốc 20, theo tên gọi của địa phương).
|
Bộ GTVT đã đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo tuyến QL217 đoạn từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh bằng vốn vay WB. |
Để phù hợp với quy hoạch được duyệt và phát huy hiệu quả khai thác các đoạn tuyến đã được đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay WB, trong đó có QL217, đoạn từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có chiều dài khoảng 59km, quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe. Tổng mức đầu tư 2.156 tỷ đồng. Thời gian thực hiện khoảng 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, xử lý.
Về kiến nghị thiết kế các giải pháp khắc phục, xử lý điểm đen trên dốc 20 nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông tuyến, Bộ GTVT cho biết, QL217, đoạn dốc 20 từ Km 17+500 - Km 18+800 dài 1,3km có quy mô đường cấp V đồng bằng, mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5m; nền đường rộng 7,5m.
Đoạn tuyến đi qua khu vực đồi núi, đường dốc dài, dốc dọc lớn và nhiều đường cong liên tục. Hai bên tuyến có nhà dân ở sát mặt đường từ lâu đời, các vị trí đường ngang dân sinh giao cắt có bán kính nhỏ, tầm nhìn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Để tăng cường đảm ATGT trên đoạn tuyến, Sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ rà soát, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (biển cảnh báo đường vào cong cua nguy hiểm, gương cầu lồi, biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn, biển báo giao nhau với đường ngang không ưu tiên, biển báo độ dốc dọc lớn và vạch sơn tim đường).
Khảo sát sơ bộ hiện trạng đoạn tuyến cho thấy để xử lý mở rộng mặt đường, cải tạo bán kính đường cong hoặc cải tuyến tại khu vực này cần phải thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân ở sát hai bên đường với chi phí lớn nên khó khăn trong việc bố trí kinh phí bảo trì lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ để thực hiện.
Hiện tại, Cục Đường bộ VN đã xây dựng chương trình kiểm tra thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ (trong tháng 3/2023). Quá trình kiểm tra Cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát; trường hợp xác định là điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT sẽ triển khai theo quy định.