Theo kiến nghị của cử tri, hiện nay, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều điểm giao cắt với khu dân cư, lưu lượng giao thông rất lớn, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, cử tri kiến nghị sớm đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh tại các vị trí nguy hiểm đối với giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hoàn thành xóa lối đi tự mở trước năm 2025 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
|
Ảnh minh hoạ. |
Qua khảo sát thực địa, UBND thị xã Hương Thủy đã đề nghị nghiên cứu mở rộng khẩu độ cống ngang đường sắt tại Km695+340; KM699+812; Km 706+630 để đảm bảo thoát nước nhanh khi vào mùa mưa nhằm giảm ngập lụt đối với người dân sinh sống tại vùng thấp trũng thuộc khu vực các phường Thủy Phương, phường Phú Bài và xã Thủy Phù.
Đầu tư một số nút giao tại Km696+160 (đường Tôn Thất Sơn) và Km697+175 (đường Ngô Thế Vinh) thị xã Hương Thủy để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết, đối với nội dung đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh tại các vị trí nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo nội dung Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020, địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế được quy hoạch xây dựng khoảng 25km đường gom dọc đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo quy định tại Mục IV, Mục V, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường gom tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm triển khai theo kiến nghị của cử tri.
Về nghiên cứu mở rộng khẩu độ cống ngang đường sắt tại Km695+340, Km699+812, Km706+630 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, để xử lý, khắc phục triệt để hiện tượng ngập lụt tại các phường Thủy Phương, Phú Bài và xã Thủy Phù thị xã Hương Thủy, Bộ GTVT đề nghị địa phương cần tổ chức nghiên cứu tổng thể giải pháp thiết kế thoát nước cho cả khu vực; trên cơ sở đó tính toán khẩu độ thoát nước của cống ngang để triển khai đầu tư xây dựng cho phù hợp.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng thể giải pháp thiết kế thoát nước cho khu vực thị xã Hương Thủy của địa phương, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương để đầu tư mở rộng cống thoát nước; tiếp tục tăng cường công tác khơi thông mương rãnh, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo thoát nước mưa tại khu vực.
Đối với đề nghị đầu tư nút giao tại Km696+160 (đường Tôn Thất Sơn) và Km697+175 (đường Ngô Thế Vinh) thị xã Hương Thủy, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các nút giao nêu trên là phù hợp.
Để triển khai thực hiện, đề nghị địa phương xây dựng phương án, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 29/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện.