Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh/thành phố, được bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng.
Đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Các ga của tuyến đường sắt tốc độ cao được bố trí theo nguyên tắc: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; Đặt tại khu vực trung tâm kinh tế chính trị các tỉnh, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển.
Cùng với đó, đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia, giao thông công cộng; Cự ly phù hợp nhằm tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).
Dựa trên nguyên tắc trên, mỗi tỉnh bố trí 1 ga khách, chiều dài trung bình khoảng 67km/ga. Riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận bố trí 2 ga do các địa phương này có quy hoạch các đô thị lớn.
Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
|
Các nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao đảm bảo cự ly phù hợp nhằm tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất một số ga tiềm năng theo quy hoạch như Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm.
Khi địa phương phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Thủ tướng Chính phủ giao địa phương chủ trì thực hiện. Còn trong giai đoạn này nhu cầu vận tải chưa cao, đầu tư có thể dẫn đến khai thác không hiệu quả.
Cũng liên quan đến hướng tuyến, vị trí ga, hiện các quy hoạch địa phương đã thống nhất và tích hợp, dành hành lang quỹ đất để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao.
Riêng quy hoạch Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa phê duyệt, nhưng phương án hướng tuyến, vị trí ga (tổ hợp ga Ngọc Hồi, ga Thường Tín phía đầu tuyến tại TP Hà Nội; ga Thủ Thiêm và depot Long Trường tại điểm cuối tuyến tại TP Hồ Chí Minh) đều đã được các thành phố thống nhất, tích hợp vào dự thảo quy hoạch và đã được Bộ Chính trị cơ bản thống nhất.
Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã dẫn đầu các đoàn công tác khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định và từ Khánh Hòa đến TP Hồ Chí Minh.
Tại các cuộc họp, các tỉnh, thành phố đều thống nhất cao với chủ trương đầu tư, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao. Một số tỉnh đề xuất tăng ga tiềm năng, tăng quy mô diện tích nhà ga...
Đại diện Hà Nội nhấn mạnh, đây là hướng tuyến tối ưu với Hà Nội. Nhu cầu vận tải đầu mối phía Nam của Hà Nội rất lớn, cả về hành khách và hàng hóa. Vì vậy, so với nghiên cứu trước đây bố trí ga hàng tại khu tổ hợp, nay bố trí ga hàng Thường Tín ra ngoài đường vành đai 4, sẽ tránh ùn tắc và kết nối được với các tuyến đường sắt khác.
Hà Nội cũng đã dành quỹ đất quy hoạch cho tuyến. Hơn nữa, đầu tư đường sắt tốc độ cao với các khu công năng như vậy vừa giúp Hà Nội có cơ hội chỉnh trang đô thị; tạo ra việc làm; tạo ra không gian mới để phát triển.