Cần 184.000 tỷ đồng làm tuyến đường sắt đi qua 10 tỉnh thành phía Bắc

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư 183.856 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực vận tải và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với tổng chiều dài 447,66 km. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt, nâng cao năng lực khai thác và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt bắt đầu từ tỉnh Lào Cai, kết nối với đường sắt Trung Quốc và kết thúc tại ga Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Toàn tuyến dài 447,66 km, đi qua các tỉnh, thành gồm: Lào Cai (64,82 km), Yên Bái (76,95 km), Phú Thọ (60,05 km), Vĩnh Phúc (41,75 km), Hà Nội và Bắc Ninh (40,93 km), Hưng Yên (18,57 km), Hải Dương (40,97 km), Hải Phòng (81,66 km) và Quảng Ninh (36,62 km).

Tuyến có 41 ga, trong đó ga Lào Cai vừa là ga lập tàu vừa là ga liên vận quốc tế. Bốn ga chính phục vụ hàng hóa bao gồm cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ và Đình Vũ.

Riêng đoạn qua TP. Hải Phòng sẽ có nhiều nhánh phụ kết nối các cảng quan trọng như cảng Lạch Huyện (46,25 km), cảng Nam Đồ Sơn (12,63 km) và cảng Đình Vũ (7,88 km). Đoạn đi qua Quảng Ninh có tuyến đường sắt mới dài 25,95 km và tuyến hiện hữu dài 10,67 km.

Can 184.000 ty dong lam tuyen duong sat di qua 10 tinh thanh phia Bac - Hinh anh 1
 Cần 184.000 tỷ đồng làm tuyến đường sắt đi qua 10 tỉnh thành phía Bắc. Ảnh minh hoạ.

Dự án có 145 cầu với tổng chiều dài 106,628 km, vượt qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô và sông Bạch Đằng, đồng thời có các cầu vượt đường bộ quan trọng kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Quảng Ninh. Trên tuyến còn có 42 hầm với tổng chiều dài 23,281 km, chủ yếu ở địa phận Lào Cai và Yên Bái.

Theo ước tính, chi phí đầu tư cho toàn tuyến đến năm 2050 vào khoảng 183.856 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 24.065 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị chiếm 110.138 tỷ đồng; các chi phí khác là 16.194 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 33.551 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho đường đơn, giai đoạn đến năm 2050 cần 3.267 ha và dự kiến bổ sung thêm 366 ha sau năm 2050 khi chuyển sang đường đôi.

Lộ trình phát triển của dự án bao gồm việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến năm 2030, trong khi đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được xem xét thực hiện sau năm 2030. Đến năm 2030, đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ hoàn thành tuyến đường đơn, điện khí hóa với khổ 1.435 mm.

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án. Đồng thời, nguồn vốn vay ưu đãi cũng được đánh giá là giải pháp đột phá cho các dự án quy mô lớn có tính lan tỏa, đặc biệt là các tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam và Đông - Tây.

Cục Đường sắt cũng đề xuất khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các phương tiện vận tải, kho bãi, phương tiện xếp dỡ và các công trình hỗ trợ khác nhằm tạo sự phát triển bền vững cho ngành đường sắt. Các mô hình đầu tư xã hội hóa và các chính sách khung cũng cần được hoàn thiện để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tin liên quan