Bộ GTVT cho biết đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành theo quy hoạch. Đến nay, đã hoàn thành dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Do vậy Bộ đề nghị các Bộ, UBND TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tham gia ý kiến về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để có cơ sở hoàn thiện báo cáo, bảo đảm tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do Liên danh tư vấn TEDI - TEDIS lập, dự án này có mục tiêu kết nối sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển đô thị dọc tuyến.
|
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cần gần 85.000 tỷ đồng để đầu tư |
Tư vấn kiến nghị loại hình cho dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh, khối lượng lớn (MRT). Tốc độ thiết kế tối đa 120km/h trên chính tuyến (90km/h trong hầm). Tốc độ vận hành tối đa 110km/h trên chính tuyến, 80km/h trong hầm.
Tổng mức đầu tư dự kiến (không bao gồm lãi vay) để xây dựng đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm là 84.752 tỷ đồng (tương đương 3,454 tỷ USD). Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỉ đồng.
Về hình thức đầu tư, tư vấn kiến nghị dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Vốn ngân sách Nhà nước khoảng 58.609 tỷ đồng (tương đương 2,388 tỷ USD), chiếm tỉ lệ 69% tổng mức đầu tư. Vốn vay ODA khoảng 26.143 tỷ đồng (tương đương 1,065 tỷ USD), chiếm tỉ lệ 31% tổng mức đầu tư.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hồ Chí Minh tại ga Thủ Thiêm, kết nối đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu tại ga SI8, kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại ga Thủ Thiêm và ga Long Thành.
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài tuyến chính 41,83km, chiều dài đường dẫn vào depot Cẩm Đường 4,4km. Đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh dài 11,75km, đoạn qua Đồng Nai dài 30,08km. Tuyến có tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Điểm đầu tuyến đường sắt này tại ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; điểm cuối tại sân bay Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đoạn đi trên cao, cầu cạn, cầu vượt sông là 30,67km (chiếm 66,34% chiều dài dự án), đoạn đi hầm 15,13km (chiếm 32,73%), đoạn đi trên nền đường đất 430m (chiếm 0,93%).
Toàn tuyến có 20 ga (gồm cả ga Thủ Thiêm). Trong đó 16 ga trên cao, 4 ga ngầm. Depot Cẩm Đường có diện tích khoảng 21,4ha đặt tại khu vực xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, có depot nhỏ Thủ Thiêm phục vụ đỗ tàu, trạm sửa chữa nhỏ, vệ sinh tàu với diện tích 1,2ha đặt tại ga Thủ Thiêm.