Mới đạt 59%
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024 của Cục Đường bộ Việt Nam, ông Đoàn Chí Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, đơn vị được giao 12.500 tỷ đồng dự toán chi cho công tác bảo trì đường bộ.
Cục Đường bộ đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, phê bình các đơn vị chậm giải ngân. Hiện nay, các công trình phê duyệt dự toán lần 1 cơ bản đã được triển khai, ký hợp đồng xây lắp, khối lượng thực hiện đạt gần 60% kế hoạch trong khi mục tiêu đặt ra đến tháng 10 là phải đạt 80%. Một số công trình được bổ sung lần 2 vẫn còn chậm.
Theo thống kê của Cục đường bộ Việt Nam, tính đến tháng 9, vẫn còn gần 40 đơn vị chưa hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch gồm các Sở GTVT: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bến Tre, Kiên Giang, Khu Quản lý Đường bộ II, Ban Quản lý dự án 3...
Về nguyên nhân chậm giải ngân, theo Cục Đường bộ, có cả khách quan và chủ quan. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là 2024 là năm đầu tiên triển khai Luật Đấu thầu mới nên phải kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.
Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến thời tiết bất thường. Ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã khiến 26 địa phương khu vực miền Bắc và một số địa phương khu vực miền Trung, miền Đông Nam Bộ, gây sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông. Ước thiệt hại khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo, bố trí nhân sự thường trực tại các vị trí xung yếu, vị trí sụt lún, chuẩn bị vật tư dự phòng để theo dõi, kịp thời khắc phục hậu quả mưa bão. Đến nay, đã khắc phục được 565/567 vị trí sạt lở đất đá để thông đường.
|
Cục Đường bộ thúc tiến độ giải ngân vốn bảo trì đường bộ năm 2024. |
Hiện, còn 2 vị trí (cầu Phong Châu đã được lắp tạm cầu phao; cầu phao Ninh Cường đang được khẩn trương sửa chữa, khắc phục, hiện tạm thời phân luồng giao thông qua các phà Đại Nội và Ninh Mỹ). Toàn bộ các cầu đã được thông xe trở lại (trừ cầu Phong Châu).
Sẽ điều chuyển vốn nếu chậm giải ngân
Trước thực trạng việc giải ngân chưa đạt tiến độ, lãnh đạo Cục Đường bộ khẳng định: Nếu đến cuối tháng 10 không giải ngân được đạt 80% theo kế hoạch thì rất khó đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn bảo trì của năm nay.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT kiểm điểm nghiêm túc để có giải pháp khắc phục và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Cục Đường bộ đã yêu cầu các đơn vị nếu đến ngày 30/10, các đơn vị không giải ngân đạt kế hoạch, Cục Đường bộ sẽ điều chuyển vốn bảo trì đường bộ từ các đơn vị chậm giải ngân sang các đơn vị có nhu cầu và có tiến độ giải ngân tốt.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm còn nặng nề khi tiến độ giải ngân còn chậm, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái đề nghị các cơ quan, đơn vị vào việc với tinh thần quyết liệt nhất, đổi mới nhất, sáng tạo nhất và tất cả vì mục đích chung.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị cần sớm hoàn thiện thủ tục để hoàn thành điều chỉnh kế hoạch bảo trì năm 2024 và danh mục chuẩn bị đầu tư phần còn lại của năm 2025. Muốn đẩy nhanh tiến độ bảo trì, công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư phải làm sớm.
Yêu cầu Phòng Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi kế hoạch giải ngân nguồn vốn, kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục đường bộ Việt Nam có giải pháp điều chỉnh nguồn vốn từ các đơn vị chậm giải ngân sang các đơn vị có tiến độ giải ngân tốt, đảm bảo hoàn thành giải ngân nguồn vốn bảo trì trong năm nay.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ và các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến đường quốc lộ, hiệu quả các dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên.