Chốt phương án xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi phân tích những ưu điểm, hạn chế giữa việc xây dựng cầu và hầm vượt sông, các ngành chức năng của Đồng Nai đều thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Chiều 30/12, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về phương án xây cầu hoặc hầm Cát Lái vượt sông kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Đây là dự án làm cầu vượt sông thay thế phà Cát Lái đã được bàn thảo trong nhiều năm qua.

Chot phuong an xay cau Cat Lai ket noi Dong Nai voi TP Ho Chi Minh - Hinh anh 1
 Cầu Cát Lái được xây dựng sẽ thay thế cho phà Cát Lái hiện tại
Tại cuộc họp, sau khi phân tích, cân nhắc những ưu điểm, hạn chế giữa việc xây dựng cầu và hầm vượt sông, các ngành chức năng của Đồng Nai đều thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái.

Đơn vị tư vấn cho biết nếu xây cầu thì tổng chi phí đầu tư khoảng hơn 19.000 tỉ đồng; còn làm hầm chi phí đội lên nhiều lần. Cụ thể, nếu làm hầm dìm thì chi phí trên 24.500 tỉ đồng, còn hầm khoan chi phí đội lên hơn 33.000 tỉ đồng.

Ngoài ra quá trình thi công hầm cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi hoàn thành, nếu làm hầm vượt sông, mỗi năm cần khoảng 100 tỉ đồng để vận hành, bảo dưỡng. Trong khi đó, chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu chỉ khoảng 10 tỉ đồng/năm.

Kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, các đơn vị đã thêm phương án xây dựng hầm vượt sông. Tuy nhiên, hầm vượt sông có chi phí xây dựng lớn, sau này việc vận hành, bảo dưỡng hầm rất tốn kém.

Tỉnh Đồng Nai chọn phương án xây dựng cầu Cát Lái, việc làm cầu giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.

Về hướng tuyến đường dẫn lên cầu địa phận tỉnh Đồng Nai, các đơn vị chọn phương án hướng tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch, không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Hoàng giao Sở GTVT Đồng Nai và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng TP Hồ Chí Minh để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái.

Các đơn vị xem xét, hoàn thiện hướng tuyến dẫn lên cầu Cát Lái, hạn chế tối đa tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo, chồng lấn với các quy hoạch khác.

Theo đơn vị tư vấn, dự án cầu Cát Lái có điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khoảng 400m. Điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu hơn 11,3km, quy mô mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Gần 10 năm trước, Dự án cầu Cát Lái, nối TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Đến nay, Dự án cầu Cát Lái dù đã nhiều lần được bàn bạc nhưng các bên liên quan vẫn chưa thống nhất phương án triển khai.

Dự án cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối giao thông trực tiếp giữa TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, dự án này chia sẻ một lượng xe từ TP Hồ Chí Minh đến sân bay Long Thành và ngược lại, giúp tăng tính đồng bộ, hiệu quả của sân bay Long Thành.

Tin liên quan