Đâu là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giao thông trong năm 2023

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 với nhiều điểm đáng chú ý.

Dau la nhiem vu trong tam cua Bo Giao thong trong nam 2023 - Hinh anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 
Bộ GTVT vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông

Tổng kết hoạt động năm 2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.

Lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Năm 2022 đánh dấu những thành tựu đáng ghi nhận của Bộ GTVT trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông với 18 dự án đã được khởi công, 22 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác. 

Trong đó, đường bộ với điểm nhấn lớn nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2km), đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km) và thông xe kỹ thuật 03 đoạn (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây)l đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Hàng không cũng đã hoàn thành đưa vào khai thác trước 30/4/2022 dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Trong khi đó,  nhiều dự án thuộc nhóm quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Các lĩnh vực còn lại như đường thủy nội địa, hàng hải cũng đều có những dự án quan trọng được triển khai hoặc hoàn thành đưa vào khai thác.

Dau la nhiem vu trong tam cua Bo Giao thong trong nam 2023 - Hinh anh 2
 Điểm nhấn lớn nhất vẫn là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia. 

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Về kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ thứ nhất là tập trung vào công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GTVT trong năm 2023. Điểm nhấn lớn nhất vẫn là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia như Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng HKQT Long Thành...

Riêng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang triển khai. Mục tiêu mà Bộ GTVT đưa ra là 7 dự án (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Năm 2024 sẽ tiếp tục hoàn thành 2 dự án thành phần còn lại (Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh 12 gói thầu đã được khởi công, 13 gói thầu còn lại phấn đấu hoàn thành ký kết hợp đồng với nhà thầu, đảm bảo điều kiện khởi công trước ngày 30/1/2023. Bộ GTVT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng của các dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với các dự án đang triển khai, Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác GPMB, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân” Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

Nhiệm vụ thứ ba được Tư lệnh ngành GTVT đặt ra là chủ động rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ những nội dung còn chồng chéo trong đầu tư hạ tầng giao thông. Trình các cấp thẩm quyền xem xét Luật Đường bộ, Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Sửa đổi bổ sung 29 thông tư, 7 nghị định theo nhiệm vụ được giao.

Thứ tư là đổi mới công tác quản lý hoạt động vận tải, nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải các lĩnh vực; Phối hợp chặt chẽ triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm ATGT, nhất là các hành vi chở quá khổ quá tải, xe dù bến cóc, nồng độ cồn,....

Thứ năm là đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục tập trung thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Trên cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu chuyên ngành, sẽ hướng tới quản lý điều hành trên dữ liệu số.

Nhiệm vụ thứ sáu là phối hợp với các Bộ, ngành triển khai tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC) theo đúng nội dung, chủ trương nghị quyết Bộ Chính trị đã phê duyệt.

Dau la nhiem vu trong tam cua Bo Giao thong trong nam 2023 - Hinh anh 3
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ năm 2023.

Khó khăn nào cũng phải vượt qua

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022 Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả nhiều công việc như: Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; Đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ GPMB được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 - 4 năm so với các dự án trước).

Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã cùng các Bộ, ngành, địa phương huy động được “tiền tươi thóc thật” từ 5 nguồn vốn quan trọng. Bộ GTVT là một trong những Bộ có nhiều quy hoạch chuyên ngành nhưng các quy hoạch được hoàn thành rất sớm, 4/5 quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Đây là điều ít Bộ, ngành nào làm được.

Về nhiệm vụ trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng 13 để đạt được mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025. Bộ GTVT phải xác định, khó khăn nào cũng phải vượt qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nguồn vốn được xác định vẫn tập trung cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là công trình cao tốc. Mục tiêu đề ra là tất cả các địa phương đều phải có cao tốc, tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế. Tập trung được nguồn lực cho cao tốc ở nhiệm kỳ này, ở nhiệm kỳ sau mới có thể tập trung cho hạ tầng đường sắt.

Chủ trương của Đảng là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, phải có cơ chế chính sách để khởi động lại BOT để huy động nguồn lực. Song, phải có công cụ kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực. Với các dự án trọng điểm, trong đó có Cảng HKQT Long Thành, Bộ GTVT cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc đảm bảo sự minh bạch, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng phải triển khai quyết liệt nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao 200km/h có thể di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM chỉ trong 8 tiếng; Hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án hợp tác công tư cho tốt, đặc biệt tại các dự án đang làm như: Lạng Sơn - Cao Bằng, Hoà Bình - Sơn La, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực ĐBSCL cũng sẽ được tập trung...


Tin liên quan