Buổi thảo luận đã nêu ra một số nội dung sửa đổi được các nhà đầu tư rất quan tâm, bao gồm: bổ sung quy định về chi trả chi phí cho nhà đầu tư khi hợp đồng chấm dứt trước thời hạn; nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% trong một số trường hợp đặc biệt; bổ sung nguồn vốn Nhà nước để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP.
Do Luật PPP hiện chỉ quy định vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm gia tăng hiệu quả tài chính cho dự án trong giai đoạn xây dựng, chưa có quy định về hỗ trợ doanh thu khi dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, khiến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành và nhà đầu tư e ngại tham gia vào các dự án PPP mới.
Theo các đại biểu, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hỗ trợ vốn Nhà nước đối với các dự án PPP được ký kết trước thời điểm Luật có hiệu lực trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và bên cho vay khi áp dụng trong những trường hợp này.
Nêu lên thực tế một số địa phương như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội,… có các dự án BOT ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực, đã triển khai và đưa vào khai thác nhưng doanh thu sụt giảm do nguyên nhân khách quan, không xuất phát từ nhà đầu tư, các đại biểu đề nghị cần có các giải pháp hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.
Các cơ quan soạn thảo Luật cần cân nhắc và xem xét kỹ hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức đầu tư PPP bao gồm cả những dự án đã đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn khách quan, cần bổ sung vốn nhà nước để duy trì hiệu quả tài chính.
Đồng thời điều chỉnh cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu như quy định để áp dụng với các dự án BOT đã ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Qua đó, giúp xử lý linh hoạt các hợp đồng cũ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên và phù hợp với thay đổi pháp lý mới.