Đề xuất thu phí 6/12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư

TRẦN NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi nghiên cứu, xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT triển khai thu phí đường bộ 6/12 tuyến cao tốc.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, QL.45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm Cầu Mỹ Thuận 2), La Sơn - Túy Loan.

 

Qua nghiên cứu, có 6 tuyến chưa đủ điều kiện thu phí gồm: cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, còn lại khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc hạn chế và chưa được đầu tư hạ tầng trạm thu phí và hệ thống giao thông thông minh (ITS).

 

Cao tốc Lào Cai - Kim Thành có chiều dài hơn 18 km, chưa được đầu tư hạ tầng trạm thu phí và hệ thống ITS, do tuyến có chiều dài ngắn nên trước mắt đề nghị chưa thu phí.

 

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã được phê duyệt đầu tư dự án mở rộng từ 4 làn xe, làn dừng xe khẩn cấp chưa được bố trí liên tục trên tuyến thành 6 làn xe. Dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2027.

 

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan (đoạn La Sơn – Hòa Liên) đã được phê duyệt đầu tư dự án mở rộng từ 2 làn xe thành 4 làn xe. Dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025.

 

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện đang thực hiện chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo hình thức PPP. Dự kiến khởi công trong năm 2025, hoàn thành năm 2028.

 

Đối với 6 tuyến cao tốc còn lại gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm Cầu Mỹ Thuận 2) đã đủ điều kiện theo quy định tại Luật Đường bộ 2024, Nghị định số 130/2024 và việc triển khai xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông cũng đáp ứng yêu cầu.

 

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất đưa 6/12 tuyến cao tốc này vào khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo phương thức: Cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác.

 

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan được giao quản lý tài sản sẽ trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý, khai khác theo quy định pháp luật.

 

Cục Đường bộ Việt Nam là đơn vụ tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí, áp dụng mô hình với “đầu vào ETC đa làn tự do (không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (có barrier), không có làn MTC”; lắp đặt bổ sung thiết bị, giá long môn trên tuyến chính tại vị trí nối tiếp các dự án để phân tách các đoạn tuyến, bảo đảm phương án tổ chức thu phí liên tuyến thông qua việc lựa chọn, đấu thầu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định pháp luật về đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

 

Cục Đường bộ Việt Nam và các Khu Quản lý đường bộ khu vực sẽ quản lý thu, nộp, sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc; kê khai, nộp phí sử dụng đường cao tốc thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định về quản lý thuế; kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí của đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để bảo đảm thu đúng, thu đủ, nộp đúng hạn khoản thu phí cao tốc vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu...

 

Trong quá trình đánh giá thực hiện chính sách hoặc sau khi hết 1 chu kỳ khai thác thiết bị (khoảng 5- 8 năm), Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác (nếu phù hợp).

Tin liên quan