Ngày 26/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của dự án không chỉ xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao, đủ năng lực thi công, quản lý, vận hành, khai thác…
Vì vậy, kế hoạch thực hiện dự án phải rõ việc, rõ người, rõ bước đi khoa học, bài bản, đồng bộ, toàn diện, không "vừa làm vừa chờ". Bắt đầu từ xây dựng cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đến điều tra, khảo sát, thiết kế, lựa chọn công nghệ, tổ chức vận hành, khai thác, quản lý…
|
Phiên họp về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì. Ảnh: VGP. |
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay, sau khi Quốc hội thông qua, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể. Bao gồm lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng và dự kiến khởi công vào tháng 12/2027.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ việc ban hành Nghị quyết Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội (về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam) phải khoa học, toàn diện, đồng bộ, thể hiện tính khả thi, linh hoạt để thực hiện mục tiêu có tuyến đường sắt tốc độ cao từ Bắc tới Nam, thậm chí có thể mở rộng hơn.
Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt, từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng.
Phó Thủ tướng đặt vấn đề "Ai làm, bao giờ làm và chú trọng từng khâu cụ thể"; yêu cầu có tầm nhìn rõ ràng về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, tránh "đẽo cày giữa đường".
Về cơ chế chính sách pháp luật, Bộ GTVT xem xét kỹ lưỡng, xem xét sửa đổi Luật Đường sắt, phải tính toán, đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt tốc độ cao, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ, thiết bị vận hành, điều hành, quản lý thông tin, vấn đề an toàn xây dựng, có chế chính sách đặc thù để làm được đường sắt cao tốc.
Đồng thời cần có những cơ chế, chính sách để lựa chọn "trúng, đúng" tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu thế giới tham gia từ khâu thiết kế tổng thể, đến thẩm định, đánh giá, giám sát, quá trình lập quy hoạch, lựa chọn hướng tuyến, xây dựng nội dung các gói thầu, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời các đơn vị tư vấn của Việt Nam có thể tham gia, học hỏi, nâng cao năng lực.
Bộ GTVT cần thành lập các tổ công tác có sự tham gia của Bộ, ngành liên quan, đơn vị tư vấn, chuyên gia hàng đầu trong trong từng nội dung cụ thể: Lựa chọn nhà thầu, đào tạo nhân lực, đất đai, vốn, mô hình ban quản lý dự án…
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá toàn bộ nhu cầu nhân lực cần đào tạo, đào tạo lại, trình độ… để triển khai dự án, cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện đặt hàng của Chính phủ về đào tạo nhân lực dựa vào các trường Đại học trong nước, hợp tác quốc tế đối với những đối tác công nghệ được lựa chọn.