Nâng gấp đôi mức dự trữ xăng dầu
Ngày 25/4, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3 (tương đương khả năng dự trữ từ 7 ngày nâng lên gấp đôi là 15 ngày).
Theo kế hoạch, không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô, đây là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15 - 20 ngày nhập ròng.
Về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ cũng đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã được triển khai đến các địa phương. Theo đó sẽ có những cơ chế, chính sách vừa đầu tư từ phía Nhà nước nhưng cũng vừa phải đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, để đầu tư từ phía Nhà nước rất cần phải đưa ra các quy chuẩn về kỹ thuật. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ đưa ra những quy chuẩn và dựa vào quy chuẩn đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất mức cụ thể, chủng loại hàng cụ thể để dự trữ.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam (Petrolimex), PVoil và Tổng công ty xăng dầu Quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ ban hành những cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần phải sửa đổi biểu giá cho thuê và thuê hạ tầng. Bởi, biểu thuê quá thấp, chỉ đạt khoảng 15 - 20% so với mức mặt bằng giá của thị trường hiện nay thì không đủ khuyến khích cho bất kể một đối tượng nào, kể cả doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ này, càng làm càng lỗ.
Vẫn khó khâu tách bạch, bảo quản riêng
Nêu quan điểm về vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận: trong những năm qua, cơ chế quản lý xăng, dầu dự trữ ở Việt Nam được hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên vẫn có một số bất cập cần tiếp tục khắc phục để tăng cường quản lý nhà nước.
Cụ thể, theo quy định pháp luật, hiện nay, xăng dầu dự trữ quốc gia chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý. Do chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nên phải vận dụng quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT để tính mức hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác.
Đáng nói, việc bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia theo phương thức thuê bảo quản hiện nay còn tình trạng chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh, chưa đúng nguyên tắc quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát.
“Trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ triển khai theo phương án tách bạch xăng dầu dự trữ quốc gia với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đúng nguyên tắc bảo quản hàng dự trữ quốc gia quy định tại Luật Dự trữ quốc gia và công khai, minh bạch trong ký kết và thực hiện các hợp đồng thuê bảo quản” – PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện các giải pháp tách bạch giữa hàng dự trữ quốc gia và hàng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho dự trữ xăng dầu, cũng như giúp việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng được thuận lợi. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ công tác dự trữ quốc gia xăng dầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép Bộ tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp đang bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia như đã thực hiện trước đây. Cụ thể, hàng dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng kinh doanh đến khi có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng, hoặc đủ điều kiện để lựa chọn doanh nghiệp thuê bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc ban hành quy chuẩn dự trữ quốc gia xăng dầu, để có đủ cơ sở thực hiện việc bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia.
Ánh Ngọc