Điểm nghẽn cầu vượt đường sắt
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 4, các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn mới bàn giao được 62,16/71,38 km (đạt 87,06%). Trong đó nhiều đoạn bàn giao còn nhỏ lẻ khó triển khai thi công. Công tác phê duyệt, giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa đáp ứng theo tiến độ địa phương đăng ký.
Đoạn đi qua huyện Thăng Bình tiếp tục gặp khó khăn trong công tác GPMB. Điển hình là vị trí cầu vượt đường sắt với số hộ bị ảnh hưởng là 59 hộ (63 thửa). Trong đó, 45 hộ (48 thửa) đến nay đã phê duyệt 3 phương án bồi thường đối với phần trong vạch GPMB; 5 hộ (6 thửa) giao đơn vị chuyên trách tiếp tục tổng hợp, trình phê duyệt; 9 hộ (9 thửa) giao UBND xã Bình Quý hoàn thiện hồ sơ để trình văn bản đủ điều kiện bồi thường.
Liên quan đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết địa phương đã chỉ đạo đơn vị bồi thường thực hiện tạm trích đo diện tích đất, nhà ở, cây trồng hoa màu và tài sản khác của người dân để lập dự án. Dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn thành để báo cáo tỉnh.
Riêng khu tái định cư tổ 3, 4 thôn Quý Thạnh (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cần sớm hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường để phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư dự án. Mong UBND tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể để UBND huyện Thăng Bình lập, trình và thẩm định.
Ông Võ Tá Thanh - Giám đốc điều hành dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (trực thuộc Ban Quản lý dự án 4) cho rằng đoạn cầu vượt đường sắt đang trở thành điểm nghẽn của dự án. Bởi theo tiến độ hợp đồng là 12 tháng nhưng kế hoạch phấn đấu thi công dưới 10 tháng. Nhưng hiện nhà thầu vẫn chưa thể thi công, dù theo kế hoạch hết tháng 8 sẽ bàn giao mặt bằng.
Tính phương án cưỡng chế
Chia sẻ tại buổi làm việc ngày 23/8, ông Phan Công Vỹ - Bí thư huyện ủy Thăng Bình thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai phương án GPMB và thi công đoạn cầu vượt đường sắt. Hiện địa phương tiếp tục dồn toàn lực để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E, tiếp đến mới triển khai các dự án khác nhưng vẫn rất chậm về tiến độ.
Theo ông Vỹ, các xã xưa nay ít có dự án lớn nên về mặt chuyên môn vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Chưa kể, huyện Thăng Bình đã chỉ đạo rất nhiều dự án nhưng đến nay mới cưỡng chế đúng một trường hợp. Vì vậy, đơn vị chuyên môn cần có những biện pháp quyết liệt, nắm rõ từng trường hợp và kiến nghị một cách cụ thể nhằm đủ cơ sở để triển khai cưỡng chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng khẳng định cần xác định quốc lộ 14E là công trình trọng điểm của huyện. Do đó, Bí thư huyện phải trực tiếp chủ trì và thực hiện việc tiếp dân lần cuối cùng. Các sở, ngành có liên quan, đặc biệt Sở Tài nguyên và Môi trường phải bám sát, hỗ trợ tối đa cho huyện để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
“Mặc dù đã có hơn 20 thông báo chỉ đạo và kết luận, nhưng công việc vẫn không tiến triển, rõ ràng là có vấn đề. Cả hệ thống chính trị của huyện cần vào cuộc một cách quyết liệt...” - ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, hiện điểm cầu vượt đường sắt đã chậm hơn 7 tháng nên phải khẩn trương triển khai. Đề nghị các đơn vị phải hoàn thành công tác cưỡng chế và bàn giao mặt bằng trong vòng hai tháng, đến hết tháng 10 giải quyết dứt điểm. Đối với khu tái định cư, đề nghị huyện Thăng Bình gửi tờ trình trước 30/8 và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chậm nhất trước 30/9.
“Khẩn trương làm và hoàn thành công trình cầu vượt đường sắt trước ngày 31/1/2025. Đối với một số vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, cấp thoát nước, cây xanh, cắm mốc hành lang giao thông… giao các đơn vị liên quan báo cáo trước ngày 30/8” - ông Hưng nhấn mạnh.
Quang Hải - Tấn Việt