Đánh giá 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng cao đã tạo áp lực lớn đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự ATGT về cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do TNGT còn cao, còn xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, chưa đạt được mục tiêu kéo giảm số vụ và người bị thương do TNGT; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chưa được giải quyết và có chiều hướng gia tăng…
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT; kịp thời trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đồng thời tổ chức thực hiện tốt Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng nhiệm vụ được phân công.
Trong đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan rà soát về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, xây dựng Đề án kiện toàn mô hình của Ủy ban ATGT phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, hoàn thành trong tháng 11/2024.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTTVT, UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án tổng thể lập lại trật tự ATGT tại TP Hà Nội, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia trong tháng 12/2024.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là những hành vi có nguy cơ gây tai nạn đối với lứa tuổi học sinh.
|
Tăng cường giảng dạy kiến thức trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh minh hoạ |
Trong quá trình thực hiện phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục để cùng quản lý; có nội dung chương trình giảng dạy cả kiến thức về trật tự ATGT, kỹ năng về thực hành điều khiển phương tiện đối với lứa tuổi học sinh được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch về bảo đảm trật tự ATGT như: Hành lang giao thông, thiết kế hạ tầng, kết cấu giao thông, cảnh báo, biển báo, phương tiện giao thông… theo chức năng nhiệm vụ.
Tiếp tục rà soát, xử lý các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT; khắc phục các hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông do mưa, lũ gây ra; ưu tiên hệ thống báo hiệu, chiếu sáng, tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường, hốc cứu nạn đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm.
Bộ GTVT chỉ đạo, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường quản lý vận tải; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện; xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm trật tự ATGT.
Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự ATGT cho học sinh các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông" đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của địa phương; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về trật tự ATGT.
Các Bộ ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT đến phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông theo tổ chức, gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại cộng đồng dân cư.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành về công tác bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đặc biệt là cấp cơ sở.