|
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được tích cực đẩy mạnh. Ảnh minh họa do AI vẽ. |
Bộ GTVT vừa có Công văn số 10961/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri TP Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội đề nghị Bộ sớm lập hồ sơ phương án tuyến tỷ lệ 1/500 Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời triển khai cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông tuyến đường sắt tốc độ cao để công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt cho người dân khu vực hai bên Dự án đi qua yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Trước vấn đề nêu trên, Bộ GTVT cho biết: Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20501 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20502 xác định tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm với chiều dài khoảng 1.545km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đã gửi Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định theo quy định làm cơ sở để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
"Sau khi Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông tuyến, ga theo quy định, làm cơ sở quản lý quỹ đất, để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh như kiến nghị của cử tri" - Bộ GTVT thông tin.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha, dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ; tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.