Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), được thực hiện theo hình thức BOT.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, kết nối vùng biên viễn địa đầu Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội và các cực kinh tế của cả nước.
Dự án đã khởi công từ ngày 01/01/2024. Theo tiến độ, dự án hoàn thành năm 2026 nhưng đang phấn đấu thông xe trong năm 2025.
Theo báo cáo, đến nay, đã cơ bản bàn giao mặt bằng toàn tuyến được 93,14km/93,35km, đạt 99,8% chiều dài tuyến. Các địa phương, cơ quan đang triển khai thủ tục xây dựng 6 khu tái định cư và thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật (22 vị trí đường điện cao thế), tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Về thi công, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 36 mũi thi công, 650 thiết bị, 1.500 nhân sự, đã hoàn thành thông hai hạng mục hầm xuyên núi. Tổng sản lượng thực hiện các gói thầu được 1.360,01/10.056,85 tỷ đồng, đạt 13,52% hợp đồng, nhanh 0,54% so với kế hoạch.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự án cao tốc đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT dài khoảng 59,87km (gồm 43km cao tốc và 16,87km tuyến nối đến cửa khẩu), đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh đến các trung tâm kinh tế Hà Nội – Bắc Giang – Bắc Ninh, rút ngắn thời gian kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía Bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung.
Giai đoạn phân kỳ, dự án có quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h (giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, nền đường 32m). Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 11.029 tỷ đồng; kế hoạch hoàn thành năm 2026, đang phấn đấu thông xe trong năm 2025.
Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho DN dự án được 47,34km/59,87km tổng chiều dài toàn tuyến, tương đương 79%. Các khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên phần khối lượng còn lại thông thường là rất khó khăn. Khu tái định cư hiện nay đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý I năm 2025, dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.
Về thi công, các nhà thầu đã huy động 806 kỹ sư và công nhân, 397 thiết bị, tổ chức 39 mũi thi công. Doanh nghiệp dự án đặt mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, với sản lượng dự kiến 4.623,53 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ dự án còn chậm so với kế hoạch, đồng thời việc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chậm huy động được nguồn vốn vay cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, di dời các công trình kỹ thuật và các đề xuất, kiến nghị liên quan bố trí nguồn vốn, tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Cao Bằng và Lạng Sơn là hai tỉnh có truyền thống lịch sử - cách mạng hào hùng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hai tỉnh có điều kiện giao thông khó khăn, giao thông vẫn là một điểm nghẽn, trong 5 phương thức giao thông (đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, đường thủy nội địa) thì hai tỉnh chủ yếu mới có đường bộ, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế phát triển, trong đó có các cửa khẩu với Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, hai dự án cao tốc này có ý nghĩa quan trọng, chiến lược với hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh miền núi phía bắc không chỉ về kinh tế mà cả về quốc phòng-an ninh; Khẳng định lại mục tiêu hoàn thành 2 tuyến cao tốc này trong năm 2025 để góp phần thông suốt toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm nay, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần, khí thế làm việc xuyên Tết trên công trường 2 dự án và yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, vượt qua chính mình để tăng tốc, bứt phá.
Về các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng đồng ý về chủ trương việc triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (mở rộng tuyến hiện có dài 93,35km lên 4 làn xe đầy đủ và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71km); đồng thời triển khai các đoạn tuyến để kết nối cao tốc này với TP Cao Bằng (dài 17km) và tới cửa khẩu Tà Lùng (13km).
Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về xây dựng đoạn tuyến kết nối tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tới cửa khẩu Tân Thanh và nâng cấp tuyến đường kết nối Lạng Sơn với Thái Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp cho các dự án kết nối nói trên, bảo đảm thủ tục chặt chẽ, công khai, minh bạch, các địa phương làm cơ quan chủ quản và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường tiết kiệm chi để lo ngân sách giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Về các đề xuất, kiến nghị liên quan bố trí nguồn vốn, tỉ lệ vốn nhà nước tại các dự án PPP, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc trong triển khai các dự án hợp tác công tư là hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp; nếu thay đổi tỉ lệ vốn thì phải thay đổi thời gian thu phí; nếu điều chỉnh mà hợp lý thì phải làm nhanh, quá trình xử lý cần xem xét khách quan, trung thực, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan, quyết định trong tháng 2, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.