Ngày 14/2, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành các quyết định về thành lập Hội đồng thẩm định cấp cơ sở, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1,13, 22 và trục đường Bắc - Nam.
Việc lập hội đồng thẩm định là một bước tiến mới đối với 4 dự án BOT cửa ngõ được thực hiện từ các cơ chế của nghị quyết 98.
Theo kế hoạch, các dự án sẽ được trình HĐND TP Hồ Chí Minh xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 2/2025. Sau đó TP sẽ tiến hành các bước khảo sát, đấu thầu chọn nhà đầu tư và khởi công dự án trong năm nay theo quy định.
 |
TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 4 dự án BOT để nâng cấp, mở rộng các cửa ngõ huyết mạch. Ảnh minh hoạ. |
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ được mở rộng 60m với 10 làn xe, trong đó có 3,2km được xây dựng đường trên cao với 4 làn xe.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 21.724 tỉ đồng (vốn ngân sách hơn 14.700 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.017 tỉ đồng).
Còn quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) sẽ được đầu tư mở rộng lên 10-12 xe. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.270 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tham gia hơn 9.611 tỉ đồng, phần còn lại 6.659 tỉ đồng do nhà đầu tư huy động.
Với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư mở rộng lên 10 làn xe.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 10.451 tỉ đồng. Ở dự án này, vốn ngân sách tham gia hơn 59% (khoảng 6.234 tỉ đồng), phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
Cuối cùng là dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành). Dự án có tổng mức đầu tư 9.894 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tham gia hơn 4.679,7 tỉ đồng (47%), còn lại là vốn nhà đầu tư.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết 4 dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, gần 60.000 tỉ đồng.
Do đó khi thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hỗ trợ một phần từ ngân sách sẽ giảm gánh nặng từ nguồn vốn đầu tư công trong điều kiện còn khó khăn, và tranh thủ được nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư. Sau thời gian thu hồi vốn, dự án sẽ được chuyển giao cho Nhà nước.
Đầu tư theo phương thức PPP cũng tận dụng được thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân.