Tăng tính chủ động cho nhà đầu tư
Theo Bộ GTVT, tính đến hết năm 2024, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.021km đường bộ cao tốc. Theo quy hoạch đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000km đường cao tốc, tầm nhìn đến 2050, cả nước có 41 tuyến cao tốc, tổng chiều dài khoảng 9.014km.
Mạng lưới cao tốc nước ta đang ngày càng hoàn thiện, tiêu chuẩn cao tốc quy định cứ 50 - 60km có một trạm dừng nghỉ bình thường và cứ 120km có trạm quy mô lớn, nhà nghỉ. Tuy nhiên, nhiều tuyến cao tốc hiện nay còn thiếu trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho lái xe và người tham gia giao thông khi cần ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi, bơm xăng, kiểm tra xe.
Đánh giá về tính cấp thiết phải sớm đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc, các chuyên gia giao thông đều khẳng định cần làm gấp. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam, do hạn chế nguồn vốn đầu tư, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư với 4 làn xe hạn chế, hạng mục trạm dừng nghỉ được tách riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay vì sử dụng vốn ngân sách dẫn đến tình trạng cao tốc đưa vào khai thác nhưng trạm dừng nghỉ còn chưa thi công.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn nhà đầu tư đều gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kêu gọi xã hội hóa nguồn lực.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 165/2024/NĐ- CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung nhiều quy định mới giúp khơi thông điểm nghẽn này.
Điều 51 của Nghị định 165/2024/NĐ- CP quy định: Trạm dừng nghỉ là một hạng mục của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ nhưng không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ. Nhà đầu tư không được hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ;
Phương án tài chính tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu dự án đường cao tốc không bao gồm doanh thu và chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác trạm dừng nghỉ.
Như vậy, với các dự án cao tốc BOT, Nhà nước đã giao cho DN đầu tư chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ, yêu cầu đảm bảo đồng bộ với đường cao tốc khi đưa vào khai thác.
Giảm gánh nặng ngân sách
Theo phê duyệt của Bộ GTVT, mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm. Từ đầu năm 2024, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ. Đến nay, đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư cho 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đang tổ chức đấu thầu 13 trạm thuộc các dự án thành phần giai đoạn 2.
Bộ GTVT đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn bộ trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc Bắc - Nam mới sẽ khánh thành; các đoạn cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác.
Thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhìn nhận, với trạm dừng nghỉ theo phương thức PPP, Nghị định 165/2024/NĐ-CP cho phép sử dụng vốn đầu tư công để giải phóng và san lấp mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Việc này sẽ dễ thu hút nhà đầu tư hơn so với trước kia.
Bên cạnh đó, trạm dừng nghỉ là công trình dịch vụ, kinh doanh và sinh lời,, với những đoạn cao tốc có địa hình đẹp, trạm dừng nghỉ không chỉ đơn thuần phục vụ người tham gia giao thông mà còn là nơi ngắm cảnh, quảng bá du lịch, sản vật địa phương. Do đó, việc giao cho các DN đầu tư chủ động xây dựng trạm dừng nghỉ, tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về thiết kế kiến trúc, quy mô trạm, vận hành kết hợp với quảng bá sản vật văn hoá địa phương cũng là một trong những điểm thu hút nhà đầu tư quan tâm đến dự án.
Hơn nữa, việc các nhà đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ cũng sẽ giúp nâng cao dịch vụ nhờ có nhiều đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, vận hành trạm dừng nghỉ.
Theo đại diện Cục đường bộ Việt Nam, đối với các trạm đầu tư PPP, nhà đầu tư sẽ cung cấp các dịch vụ công và dịch vụ thương mại tại trạm, trong đó dịch vụ công (bãi đậu xe, không gian nghỉ ngơi, khu vệ sinh, …) là miễn phí. Như vậy, xét về mặt tổng thể việc đầu tư xã hội hóa các trạm dừng nghỉ là phù hợp và hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách do Nhà nước do không phải bỏ kinh phí đầu tư mà còn thu được tiền.
Về lâu dài, sau khi kết thúc hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo hình thức BOT, nhà đầu tư chuyển giao toàn bộ tài sản được đầu tư, bao gồm hạng mục trạm dừng nghỉ cho Nhà nước quản lý, vận hành theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Huyền Sâm