Giải quyết tình trạng đi ngược chiều

 
Chia sẻ

Hiện tượng người dân điều khiển phương tiện đi ngược chiều khá phổ biến trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội là nguy cơ lớn gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Giai quyet tinh trang di nguoc chieu - Hinh anh 1

Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc cơ quan chức năng tổ chức giao thông hợp lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm thì người dân phải nâng cao ý thức tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông.

Tình trạng người dân điều khiển phương tiện đi ngược chiều diễn ra thường xuyên trên đường Tố Hữu, đặc biệt là đoạn vỉa hè từ đường Mỗ Lao đến đường Trung Văn (hướng về quận Hà Đông) có chiều dài khoảng 200m. Đại úy Lê Văn Hưng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội) cho biết, dù biết vi phạm, nhiều người tham gia giao thông vẫn đi ngược chiều trên đoạn đường này.

Đơn vị đã phân công cán bộ, chiến sĩ túc trực để xử lý vi phạm nhưng khi thấy có mặt lực lượng cảnh sát giao thông thì người dân lại dắt xe máy đi bộ qua để tránh bị phạt hoặc thậm chí quay đầu xe, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, tại khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đi ngược chiều trên đường Tố Hữu, đơn vị đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, những trường hợp dắt bộ thì chưa có chế tài nào áp dụng để xử phạt. 

Không chỉ ở khu vực trên, nhiều tuyến đường phố tại Hà Nội cũng xảy ra tình trạng người dân điều khiển phương tiện đi ngược chiều. Để phục vụ thi công ga ngầm S10 của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã áp dụng phương án cấm lưu thông một chiều đường Cát Linh (quận Đống Đa), đoạn theo hướng từ phố Trịnh Hoài Đức đến đường Giảng Võ.

Mặc dù đã cắm biển báo đường một chiều rõ ràng, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm phương tiện đi ngược chiều trên tuyến phố này. Tình trạng này cũng xảy ra trên các tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), đường Tây Sơn (khu vực trước Trường Đại học Công đoàn, quận Đống Đa), đường Đại Cồ Việt (khu vực giao với đường Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng), khu vực ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)…

Theo Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, mục đích của phân luồng, tổ chức giao thông là để giảm ùn tắc, bảo đảm cho người tham gia giao thông đi lại thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông. Ngoài nguyên nhân ở một số nơi việc tổ chức giao thông chưa hợp lý, lý do chính dẫn đến tình trạng này là ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ còn hạn chế, coi thường nguy hiểm của bản thân và người đi đường.

Việc làm này còn tạo ra những hình ảnh không đẹp đối với bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội, gây phản cảm, bức xúc đối với những người dân đang chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho rằng: "Trường hợp người tham gia giao thông dắt xe đi bộ ngược chiều chứ không lái xe tham gia giao thông thì không thể xử phạt mà chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền. Ngoài ra, tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều cũng có một phần nguyên nhân tổ chức giao thông chưa hợp lý.

Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, làm sao cho người dân đi lại bảo đảm an toàn, vừa thuận lợi, vừa tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, tránh việc phải đi xa để vòng quay lại, dù đoạn đường đi rất gần".

Để giải quyết tình trạng nêu trên, quan trọng hơn chính là ý thức của người tham gia giao thông. Ngoài việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý nghiêm các vi phạm, người dân cần tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Qua đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, hạn chế tai nạn, ùn tắc, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm, khi mà lưu lượng người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô ngày một tăng cao.

Theo Hànộimới

Tin liên quan