Hà Nội: Quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội có khoảng 4.500 tuyến phố có ngõ, ngách nhỏ, sâu khiến xe chữa cháy không thể tiếp cận được, nhiều tuyến phố có mạng lưới dây điện, cáp thông tin mắc trùng võng, bục, bệ, barie hoặc hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động, triển khai của của các loại xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Ngõ nhỏ xe chữa cháy khó tiếp cận

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến về “Công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, được Bộ Công an tổ chức ngày 1/12, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục, Thủ đô Hà Nội vừa có lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách trong công tác PCCC và CNCH. Một trong những khó khăn, thử thách là vấn đề về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 

Theo ông Lê Hồng Sơn, thành phố Hà Nội có hàng chục nghìn tuyến đường, tuyến phố, trong đó khoảng 4.500 tuyến có ngõ, ngách nhỏ, sâu (chiều dài hơn 200m) xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Đồng thời, Hà Nội là địa bàn dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm và tại các tuyến phố đang thi công. Do đang trong quá trình quy hoạch, phát triển Thủ đô nên vẫn còn tình trạng các tuyến phố có mạng lưới dây điện, cáp thông tin mắc trùng võng, bục, bệ, barie hoặc hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động, triển khai của của các loại xe chữa cháy, CNCH.

Ha Noi: Quy hoach ha tang giao thong, nguon nuoc phuc vu chua chay va cuu nan cuu ho - Hinh anh 1
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tham luận.

Toàn Thành phố hiện có khoảng 3.500 trụ nước chữa cháy, 16 bể nước chữa cháy của Thành phố, trên 3.000 bể nước của cơ sở (khối tích trên 10m); khoảng 3.500 nguồn lấy nước tự nhiên như ao, hồ, sông, kênh, mương.

Tuy nhiên, việc lấy nước để phục vụ chữa cháy trên địa bàn Thành phố còn có những khó khăn, bất cập như: Mật độ dân cư cao dẫn đến nhu cầu sử dụng nước của người dân rất lớn; áp lực để phục vụ chữa cháy của các trụ nước tại một số địa bàn hoặc tại một số khung giờ chưa được ổn định; nguồn nước tự nhiên nhiều nhưng số bến lấy nước, hố ga thu nước để tận dụng được nguồn nước này còn nhiều hạn chế; số trụ nước chữa cháy hiện có chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tại các tuyến đường, phố theo tiêu chuẩn (qua khảo sát còn thiếu khoảng 6.000 trụ, và trên 800 bể nước, bến lấy nước)…

Quy hoạch đảm bảo PCCC

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99 của Quốc hội; Quyết định số 630 của Thủ tướng; đồng thời, để giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, CNCH: UBND Thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Kế hoạch số 174 ngày 28/9/2015 về thực hiện Chỉ thị số 47; Kế hoạch số 41 ngày 27/9/2021 về thực hiện Kết luận số 02; đồng thời đã trực tiếp ban hành các Kế hoạch số 66 ngày 04/4/2016, Chương trình số 15 ngày 17/01/2020, Kế hoạch số 140 ngày 09/7/2020 để tổ chức thực hiện chỉ đạo của cấp trên.

Về vấn đề giao thông, Thành phố tích cực triển khai các giải pháp về quy hoạch để đảm bảo công tác PCCC gắn liền với quy hoạch đô thị; trong đó, phấn đấu nỗ lực mở rộng nhiều làn đường, tuyến đường, khắc phục tình trạng ngõ nhỏ, phố nhỏ, lối đi nhỏ; giải quyết ngay tình trạng lưới điện, cáp thông tin mắc trùng, bục, bệ, barie, hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp để chống ùn tắc giao thông (nhất là vào các khung giờ cao điểm) để đảm bảo việc vận hành của các phương tiện chữa cháy, CNCH.

Ha Noi: Quy hoach ha tang giao thong, nguon nuoc phuc vu chua chay va cuu nan cuu ho - Hinh anh 2
 Thời gian tới, Thành phố dự kiến ban hành “Đề án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” .

Về vấn đề nguồn nước, từ năm 2018, UBND Thành phố đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai các dự án lắp đặt các trụ nước phục vụ công tác chữa cháy. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, Thành phố đã lắp đặt bổ sung 1.500 trụ nước chữa cháy nâng tổng số trụ nước trên toàn Thành phố lên xấp xỉ 4.000 trụ nước. Ngày 06/4/2021, Thành phố đã báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 554); theo đó hiện nay, toàn bộ hệ thông trụ nước chữa cháy được đấu nối vào mạng lưới cấp nước của Thành phố. Thành phố giao Sở Xây dựng là đơn vị quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian tới, Thành phố dự kiến ban hành “Đề án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó xác định nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng cần đạt được trong công tác PCCC, qua đó, từng bước giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc liên quan công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hướng đến mục tiêu Thủ đô an toàn về PCCC. Cụ thể:

Theo đó, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch, chỉnh trang đảm bảo các yêu cầu về giao thông, nguồn nước cho các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Có hướng di dời kho, xưởng, cơ sở kinh doanh hóa chất có nguy hiểm về cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư. Từng bước triển khai dự án Quy hoạch phân khu khu vực nội đô; giảm dần lượng dân tại các quận nội thành.

Ngoài ra, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông công cộng theo hướng đổi mới, thân thiện, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông. Thành phố tiếp tục xây dựng các bể nước, bến lấy nước, hố ga thu nước để phát huy tối đa nguồn nước tự nhiên trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy trên các tuyến đường, phố theo kế hoạch đã được duyệt. 

Đồng thời, đẩy mạnh phát huy năng lực của lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng để đảm bảo yêu cầu PCCC&CNCH “4 tại chỗ”. Quan tâm về chính sách cũng như đầu tư trang thiết bị, phương tiện các cho các lực lượng này…

 

Tin liên quan