Hào hứng chờ khách
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có Công văn số 565/SGTVT-QLVT gửi các đơn vị cung cấp ứng dụng hỗ trợ kết nối vận chuyển hành khách bằng xe môtô, xe gắn máy 2 bánh trên địa bàn TP Hà Nội cho phép các đơn vị này được hoạt động từ ngày 8/2 cho đến khi có thông báo mới.
Quyết định được thực hiện trong bối cảnh TP Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều hoạt động được mở cửa trở lại, đặc biệt là học sinh, sinh viên được quay trở lại trường học trực tiếp.
Cùng với việc cho phép hoạt động trở lại, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp ứng dụng hỗ trợ kết nối hành khách bằng xe môtô, xe gắn máy hai bánh chịu trách nhiệm trong việc theo dõi, quản lý lái xe.
|
Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại từ ngày 8/2. Nhiều tài xế hào hứng đón những vị khách qua ứng dụng hỗ trợ sau nhiều tháng tạm nghỉ. |
Các lái xe tham gia hoạt động loại hình vận tải này, phải được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc 5K và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế. Các tài xế đảm bảo không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị tổng hợp danh sách lái xe, phương tiện và kết quả hoạt động gửi về Sở Giao thông Vận tải để theo dõi và quản lý.
Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã Tăng cường kiểm soát, siết chặt các biện pháp đảm bảo phòng dịch với tì xế xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng từ cuối tháng 7/2021. Từ 14/10/2021, xe buýt, taxi, xe taxi công nghệ dưới 9 chỗ hoạt động trở lại, tuy nhiên xe ôm, xe ôm công nghệ vẫn chưa được hoạt động vì nguy cơ lây lan ở mức cao.
Sau nhiều tháng ngừng hoạt động, nhiều tài xế xe ôm công nghệ vô cùng phấn khởi trước quyết định cho hoạt động trở lại của TP Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Bắc Giang chia sẻ: “Tôi làm nghề lái xe ôm công nghệ được 4 năm, trước đây không có dịch Covid-19, mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Thời gian qua, TP Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động của xe ôm công nghệ để đảm bảo phòng chống dịch, cuộc sống của tôi và gia đình rơi vào tình cảnh khá khó khăn”.
Nhiều tháng qua, không bắt được khách qua ứng dụng, anh Nguyễn Văn Hải chỉ còn lại lượng khách quen, và khách bắt dọc đường, thu nhập chỉ còn một phần ba ngày trước.
Cũng làm nghề xe ôm công nghệ, anh Hoàng Văn Hùng trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Nhận được thông báo được hoạt động lại tôi rất háo hức, từ hôm qua cứ bật ứng dụng liên tục để xem”.
Là một tài xế xe ôm công nghệ, anh Hoàng Văn Hùng không giấu được vẻ phấn khởi khi quay về với công việc. Đến gần trưa ngày 9/2, công ty mới hoàn thành thủ tục mở lại ứng dụng cho anh. Suốt cả buổi trưa anh Hùng cứ cầm điện thoại ngồi chờ ven đường.
“Nhận cuốc khách đầu tiên sau kỳ nghỉ dài tôi hào hứng như thuở mới vào nghề. Hơn 3 năm chạy xe ôm công nghệ, thời điểm này là lúc tôi thấy khó khăn nhất” – anh Hoàng Văn Hùng chia sẻ.
Không chỉ anh Hùng, anh Hải mà hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ khác đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội không khỏi phấn khởi khi các phần mềm kết nối hành khách được hoạt động trở lại. Từ nay, công việc của họ lại được quay trở lại bình thường.
Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Những năm qua, xe ôm công nghệ đã trở thành một phần quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội. Đây là loại hình vận tải hành khách nhanh chóng, thuận tiện và có giá cả phù hợp nên thu hút được nhiều người sử dụng”.
Thành phố mở cửa trở lại nhiều hoạt động, học sinh, sinh viên được đến trường khiến nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Việc cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp. bên cạnh đó, với mức độ bao phủ vaccine như hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 từ nhóm người làm nghề xe ôm công nghệ không còn là vấn đề đáng lo ngại.
|
Không khỏi lo lắng
Trên đường phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những màu áo xanh, đỏ, vàng của các tài xế xe ôm công nghệ chạy đua giữa mùa dịch với nỗi lo cơm áo, gia đình. Mặc dù được hoạt động trở lại, nhưng nhiều người làm nghề xe ôm vẫn không khỏi lo lắng trước những khó khăn và thách thức trong thời gian tới.
Theo anh Hoàng Văn Hùng, mặc dù đã được bật ứng dụng kết nối với hành khách nhưng lượng khách chỉ đạt được 50% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19. Anh cho rằng, lý do chính là nhiều người vẫn e ngại dịch bệnh Covid-19, số khác vẫn chưa quay lại Hà Nội học tập và làm việc.
“Mặc dù chưa nhiều khách như trước, nhưng đây cũng là khởi đầu mới cho năm mới. Tôi hy vọng rằng thời gian tới, dịch bệnh sẽ không còn nữa để lượng khách quay trở lại như trước” - anh Hoàng Văn Hùng chia sẻ.
Anh Vũ Trung Tính quê ở Nam Định, đã có kinh nghiệm 2 năm làm nghề xe ôm công nghệ tâm sự: “Những ngày gần đây, Hà Nội vẫn phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Chở khách, cánh tài xế chúng tôi cũng rất lo lắng, vì phải tiếp xúc với nhiều người và đến nhiều nơi phức tạp. Trên xe khách hỏi mình phải tiếp chuyện. Nên anh em tài xế hay đùa nhau chở khách mùa dịch cũng là nghề mạo hiểm”.
|
Mặc dù được hoạt động trở lại, nhưng nhiều người làm nghề xe ôm vẫn không khỏi lo lắng trước những khó khăn và thách thức trong thời gian tới. |
Để phòng chống dịch Covid-19, anh Tính đề nghị khách đeo khẩu trang trước khi lên xe. Sau mỗi chuyến đi, anh đều lưu lại số điện thoại khách hàng đồng thời rửa tay sát khuẩn và đeo 2 lớp khẩu trang.
Không nằm ngoài nỗi lo vắng khách, nhiều tài xế xe ôm truyền thống càng đắn đo hơn khi xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại. Anh Nguyễn Thế Nam, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm nghề xe ôm truyền thống đã 11 năm nay, cuộc sống càng khó khăn hơn khi xuất hiện xe ôm công nghệ. Ế khách là chuyện bình thường rồi. Trước đây ngày nào cũng kiếm trung bình được vài ba trăm, chứ giờ chạy một ngày được hơn 100.000 đồng là mừng lắm rồi! Có ngày ngồi từ sáng tới chiều không có khách cũng đành ngậm ngùi đi về”.
Theo anh Nguyễn Thế Nam, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề không có việc làm. không ít người lựa chọn xe ôm công nghệ để làm tạm thời khiến xe ôm truyền thống càng trở nên trở nên lỗi thời.
“Những tài xế xe ôm truyền thống, đa số sử dụng những chiếc xe không đạt yêu cầu của hãng. Nhiều người tuổi đã cao nên cũng không thể linh hoạt sử dụng điện thoại thông minh để kiếm khách nên đành chấp nhận. Bên cạnh đó, việc các dịch vụ xe ôm mới ra đời với giá cả phải chăng, lộ trình rõ ràng, an toàn và người dùng còn có thể phản ánh thái độ phục vụ của tài xế sau khi kết thúc hành trình đã giúp các dịch vụ này nhanh chóng lấy được lòng của khách hàng” – anh Nguyễn Thế Nam chia sẻ.
Để có nhiều khách hơn, anh Nam thường xuyên phải di chuyển qua các tuyến phố để mời gọi, hoặc ra giá trước quãng đường đồng thời mặc áo của xe ôm công nghệ để người cần đi biết mình là xe ôm.