Từ sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Cần kiểm tra toàn diện các dự án BOT đường cao tốc

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi hàng loạt vấn đề xảy ra ở dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được phát hiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần kiểm tra toàn diện tất cả dự án làm đường cao tốc theo hình thức BOT.

Tu sai pham tai cao toc Da Nang – Quang Ngai: Can kiem tra toan dien cac du an BOT duong cao toc - Hinh anh 1
Vừa sửa xong hư hỏng mặt đường, chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đề nghị thu phí trở lại. Ảnh: Vĩnh Nhân

Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào ngày 18/10. Điều này cho thấy, vấn đề ở dự án trị giá gần 34.000 tỷ đồng này không chỉ gói gọn ở những điểm hư hỏng, xuống cấp bị phát hiện trong thời gian qua mà còn rất nhiều sai phạm khác cần phải được làm rõ.

Đang bị thanh tra vẫn xin thu phí lại

Ngay sau khi hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục những điểm hư hỏng theo chỉ đạo của Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lập tức đề nghị được thu phí trở lại.

Theo lãnh đạo VEC, tổng diện tích mặt đường bị bong tróc xảy ra tại hai gói thầu số 4 và số 6 vào khoảng 70m2/3,1 triệu mét vuông tổng diện tích dự án. Để đảm bảo sửa chữa triệt để mặt đường, các nhà thầu đã cào bóc sửa chữa 3.024,7m2 lớp phủ có độ nhám cao trên lớp bê tông nhựa thông thường - lớp VTO (dày 3cm) và 2.488,75m2 lớp bê tông nhựa hạt mịn (dày 5cm).

Ngày 18/10, Cục Quản lý đường bộ III đã có văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về kết quả khắc phục hư hỏng cục bộ trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn từ Km25 đến Km49. Trước đó, đơn vị này đã trực tiếp đi kiểm tra công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường và có biên bản làm việc với chủ đầu tư là VEC.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cho hay, đơn vị này không đánh giá về chất lượng thi công chỉ đánh giá về kích thước hình học, độ bằng phẳng êm thuận cũng như kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu nhà thầu thi công phải tuân thủ biện pháp đảm bảo ATGT. Trách nhiệm đánh giá chất lượng thi công thuộc về tư vấn giám sát và của Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Về phía VEC, đơn vị này đã gửi văn bản lên Bộ GTVT báo cáo về việc hoàn thành sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đề nghị được thu phí trở lại. Theo chủ đầu tư, do phải tạm dừng thu phí để sửa đường, VEC đã chịu thất thu khoảng 500 – 600 triệu đồng/ngày. Chưa rõ Bộ GTVT có đồng ý với đề xuất này của chủ đầu tư hay không, tuy nhiên, việc VEC đưa ra đề nghị được thu phí trở lại diễn ra vào đúng thời điểm Thanh tra Bộ GTVT chính thức công bố kế hoạch thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và hiện nay công tác thanh tra chỉ mới bắt đầu là có vẻ vội vàng.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, trên phương diện nhà kinh doanh, khi đã hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những điểm hư hỏng trên đường, đảm bảo chất lượng cho các phương tiện lưu thông an toàn thì chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có quyền được đề xuất được thu phí trở lại.

Tuy nhiên, đây mới là đề xuất từ phía DN còn việc chấp thuận hay không lại là câu chuyện khác. “Chính phủ và Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định tới đề xuất của VEC. Trước khi đưa ra quyết định, Bộ GTVT phải kiểm tra, đánh giá một cách khách quan, toàn diện chất lượng tuyến đường vừa được sửa chữa xem có đảm bảo chất lượng đúng như trong hợp đồng đã ký hay không” - chuyên gia Võ Đại Lược nói.

Làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm

 Đề cập tới việc gói thầu A5 thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá gần 1.400 tỷ đồng, bị Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco) bán toàn bộ 100% giá trị gói thầu cho 17 nhà thầu phụ, trong đó có nhà thầu không đủ năng lực, chuyên gia Võ Đại Lược khẳng định, đây là sai phạm cần phải xử phạt thật nghiêm khắc.

“Nếu trúng thầu mà thuê các đơn vị khác thực hiện nhưng anh vẫn chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng thi công công trình và các vấn đề liên quan khác thì còn có thể chấp nhận được. Đằng này, anh bán toàn bộ 100% giá trị gói thầu cho các nhà thầu phụ là không được. Điều này trái với Luật Đấu thầu” - chuyên gia Võ Đại Lược nhận định. 

Với sai phạm trên của Posco, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần lập tức vào cuộc kiểm tra tất cả các công trình do 17 nhà thầu phụ thi công có đảm bảo chất lượng hay không. Sau đó sẽ có hình thức xử phạt đối với Posco. “Nếu các công trình đó không đảm bảo chất lượng thì tội của Posco sẽ càng lớn hơn. Dù thế nào cũng phải xử phạt thật nghiêm đối với hành vi này” - chuyên gia Võ Đại Lược khẳng định.

Về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong những sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, ngoài chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, nếu quy trách nhiệm cuối cùng thì Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm và phải kỷ luật thật nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm này.

Bên cạnh đó, sau sự việc xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Chính phủ và Bộ GTVT cần có cuộc kiểm tra, đánh giá một cách tổng thể tất cả các dự án xây dựng đường cao tốc theo hình thức BOT hiện nay, từ đó có giải pháp tổng thể giải quyết triệt để các bất cập.

Về quyết định thanh tra đột xuất đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà Bộ GTVT vừa công bố, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, nếu được nên để cho một cơ quan khác thực hiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Trong trường hợp này, Thanh tra Chính phủ sẽ là đơn vị phù hợp nhất để thực hiện.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan