Thị trường ô tô ảm đạm: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, sản lượng ô tô sản xuất trong nước chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2024 vẫn là cơ hội cho các DN sản xuất và kinh doanh ô tô.

Sự sụt giảm được dự báo trước

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước ước đạt 15.900 chiếc, thấp hơn 27% so với tháng trước. Đây là mức sản lượng tháng thấp nhất được ghi nhận trong khoảng 2 năm gần đây (tính từ 1/2022).

Sự sụt giảm sản lượng mạnh của sản lượng ô tô nội địa trong tháng 2, một phần vẫn do ảnh hưởng chung từ tình hình kinh tế khó khăn. 

Thi truong o to am dam: Tim kiem co hoi trong thach thuc - Hinh anh 1
Thị trường ô tô Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Thu nhập của người dân trong thời gian gần đây không cao, một số người còn bị mất việc. Điều này khiến mọi người tăng cường tiết kiệm, phòng ngừa rủi ro trong quá trình kinh tế vẫn còn những khó khăn. Vì vậy, lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu so với mọi năm, kéo theo đó là sản lượng sản xuất cũng giảm. Đây là một điều bình thường, không có gì bất ngờ". 

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nằm hoàn toàn trong tháng 2/2024 cũng khiến sản lượng ô tô sụt giảm. Thường dịp cận Tết, số lượng mua xe ở Việt Nam tăng lên, và sẽ giảm về sau Tết. Các nhà sản xuất cũng nắm được tình hình nên giảm sản lượng sản xuất xe để tránh lượng hàng tồn kho.

Sức ép từ cạnh tranh của ô tô nhập khẩu, đặc biệt từ các nước ASEAN tăng lên mạnh mẽ trong thời gian vừa qua cũng là một trong những lý do khiến số lượng ô tô nội địa giảm đi.

Cũng như những loại hàng hoá khác, khi sản lượng tiêu thụ giảm thì hoạt động sản xuất cũng phải giảm theo. Kéo theo đó là việc các nhà máy giảm thời gian sản xuất, người lao động giảm thời gian làm việc. Trường hợp tệ hơn nữa, các nhà sản xuất sẽ cắt giảm nhân lực lao động.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Có thể thấy rõ, tăng trưởng của DN ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người lao động. Khi các DN phải giảm sản lượng sản xuất và kinh doanh của mình thì công ăn việc làm của một người lao động sẽ gặp những tác động rất lớn”. 

Phát huy sức hút thị trường

Dù năm 2023 chứng kiến nền kinh tế khó khăn nhưng những tháng cuối năm, kinh tế của Việt Nam đã trở lại đà tăng trưởng. Hai tháng đầu năm 2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng đến 19,5%. 

“Với những diễn biến hiện nay như giá cả không tăng cao, xăng dầu cũng giữ giá, nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn có thể vượt được mốc tăng trưởng Quốc hội và Chính phủ đề ra. Khi thu nhập tăng trở lại, sản xuất kinh doanh tốt lên, đồng nghĩa với việc thị trường ô tô nói riêng cũng như thị trường tiêu dùng nói chung sẽ ấm lên, làm cho sản lượng tiêu thụ tăng lên đáng kể trong năm 2024” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Hiện nay, số lượng ô tô bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện còn rất thấp so với mức trung bình của thế giới và các nước trong ASEAN. Thu nhập của người dân Việt Nam cũng đang tăng lên một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… hiện đều đang được chỉnh trang và xây mới rất mạnh mẽ. Khi đường sá tốt hơn, điều kiện kinh tế khá hơn, việc mua ô tô để làm phương tiện đi lại cũng trở thành yêu cầu tất yếu với người dân. 

Thạc sĩ Quản lý Kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: “Tôi cho rằng thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới vẫn tiếp tục là một trong những thị trường có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà sản xuất và kinh doanh của Việt Nam cũng như thế giới. Tuy nhiên, để có thể thu hút người mua xe ô tô quay trở lại thì có rất nhiều vấn đề các DN, nhà sản xuất cần quan tâm”. 

Các DN trong nước phải tiếp tục tìm cách tiết giảm chi phí, hạ giá thành đến mức hợp lý để phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Đặc biệt khi tất cả ô tô xuất xứ ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng chính sách miễn thuế cho đến hết năm 2027.

Đồng thời, các DN sản xuất ô tô cũng cần phải có những biện pháp để nâng cao chất lượng của xe trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những điều để đảm bảo cho ô tô nội địa có thể cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu. Các nhà sản xuất ô tô nội địa phải tự làm mới mình bằng những mẫu mã, hình thức phù hợp với môi trường và điều kiện tự nhiên của Việt Nam để thu hút khách hàng.

Với lợi thế là hàng Việt Nam, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng như vấn đề liên quan đến hậu mãi và bảo trì, bảo hành là không thể coi nhẹ.

“Chỉ khi chất lượng ô tô không chỉ bằng mà còn có thể tốt hơn những xe nhập khẩu từ các nước ASEAN, giá cả phù hợp với người Việt Nam, DN sản xuất ô tô trong nước mới có điều kiện để cạnh tranh và chiến thắng ô tô nhập khẩu” -  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Tin liên quan