Trong một thông báo ngày 2/9, Volkswagen cho biết, họ không loại trừ khả năng đóng cửa các nhà máy tại quê nhà. Các biện pháp khác để “bảo vệ tương lai” cho công ty bao gồm cố gắng chấm dứt thỏa thuận bảo vệ việc làm với các công đoàn lao động, đã có từ năm 1994.
Nếu động thái này trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Volkswagen đóng cửa nhà máy tại Đức trong 87 năm lịch sử hình thành và phát triển thương hiệu của mình.
|
Dây chuyền sản xuất các mẫu xe Golf VIII và Tiguan của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS
|
Giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Oliver Blume cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trong tình hình rất khó khăn và nghiêm trọng. Môi trường kinh tế trở nên khó khăn hơn và các đối thủ cạnh tranh mới đang thâm nhập vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, Đức với tư cách là một địa điểm sản xuất đang tụt hậu hơn nữa về sức cạnh tranh”.
Volkswagen đã bắt đầu cắt giảm chi phí vào cuối năm ngoái và đang mất thị phần tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của mình. Trong nửa đầu năm, lượng xe giao đến tay khách hàng tại quốc gia này đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn giảm 11,4% xuống còn 10,1 tỷ euro (11,2 tỷ USD).
Hoạt động kém hiệu quả tại Trung Quốc diễn ra khi công ty thua lỗ trước các thương hiệu xe điện địa phương, đặc biệt là BYD, vốn cũng đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với hoạt động kinh doanh của công ty tại châu Âu.
Các kế hoạch cắt giảm chi phí của Volkswagen sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ công đoàn lao động. Theo báo cáo thu nhập gần đây nhất, Volkswagen tuyển dụng gần 683.000 công nhân trên toàn thế giới, bao gồm khoảng 295.000 người ở Đức.
Ông Thomas Schaefer - Tổng giám đốc điều hành của Volkswagen cho biết, công ty vẫn cam kết với Đức như một địa điểm kinh doanh. Hãng sẽ khẩn trương đàm phán với đại diện của nhân viên để tìm hiểu khả năng “tái cấu trúc thương hiệu một cách bền vững”.
“Tình hình cực kỳ căng thẳng và không thể giải quyết thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí đơn giản” - Đại diện Volkswagen nhấn mạnh.