|
Tài xế Vũ Tiến Cảnh, người uống rượu bia rồi gây tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 tử vong tại cơ quan Công an. Ảnh: CQCA |
Điều khiển xe ô tô sau khi uống rượu
Ngày 14/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị này đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối tài xế Vũ Tiến Cảnh (SN 1981, trú tại thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), người gây tai nạn giao thông khiến một nữ sinh tử vong.
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 9/3, Vũ Tiến Cảnh điều khiển xe ô tô mang BKS 26A-102.xx di chuyển hướng huyện Quỳnh Nhai đi TP Sơn La, khi đến đoạn xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đã xảy ra va chạm với xe máy dung tích xi lanh 50 cc mang BKS 26AA-193.xx do em Q.T.T.H (SN 2006, ở bản He, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai; là học sinh lớp 12 trường THPT Quỳnh Nhai) điều khiển theo hướng ngược lại. Hậu quả vụ tai nạn giao thông khiến em H. bị thương nặng, tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT CA huyện Quỳnh Nhai đã tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở đối với tài xế Vũ Tiến Cảnh và cho kết quả 1,394 miligram/lít khí thở. Tại CQCA, tài xế Vũ Tiến Cảnh khai nhận, trước đó đến nhà người quen ăn cơm và uống rượu. Sau khi ăn uống xong, Cảnh điều khiển xe ô tô quay trở về nhà ở huyện Thuận Châu thì gây tai nạn.Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do Vũ Tiến Cảnh điều khiển xe ôtô đi sai phần đường dẫn đến va chạm với xe máy do nữ sinh điều khiển.
|
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: CQCA |
Mức xử phạt
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một học sinh bị tử vong. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và hậu quả để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Qua thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng thì người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 1,394 miligram/lít khí thở.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn,khoản 8 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Ngoài ra, các hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn còn cố tình điều khiển phương tiện giao thông thì được xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ; Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, chế tài hành chính và mức phạt còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm, điển hình là việc sử dụng rượu bia, thuốc kích thích nhưng vẫn cố tình lái xe, gây tai nạn thương tâm.
Chuyên gia pháp lý này phân tích, rõ ràng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi đã gây ra, tài xế Vũ Tiến Cảnh sẽ phải đối mặt với tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" được quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hậu quả của hành vi khiến một học sinh tử vong thì tài xế này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
"Thời gian gần đây diễn ra ngày càng nhiều vụ án “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ” gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận khi lái xe ngang nhiên sử dụng rượu bia, chất kích thích rồi điều khiển phương tiện giao thông, dẫn tới hậu quả làm tai nạn thương tâm, điển hình là vụ việc trên. Theo đó, chúng ta cần một chế tài đủ mạnh và nghiêm khắc hơn nữa để xử lý những người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, chất kích thích nhằm giảm thiểu những sự việc tương tự xảy ra" - Luật sư Nguyễn Hồng Thái bày tỏ quan điểm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái kiến nghị, cần phải sửa luật để tăng mức xử phạt đối với tài xế uống bia rượu gây tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; ngoài ra có thể đề xuất sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái và cấm hành nghề lái xe với những tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nếu áp dụng việc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn thì cần phải sửa nghị định và sửa luật.