7 yếu tố quyết định lựa chọn xe buýt của người dân

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của người dân, cần phải thấu hiểu thị hiếu tiêu dùng của hành khách, từ đó có những giải pháp, thay đổi phù hợp.

Thị hiếu tiêu dùng

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, trong đó hơn 6,9 triệu xe máy. Các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy đóng vai trò quan trọng và thuận tiện nhất đối với người dân đô thị khi di chuyển.

Cùng với phát triển kinh tế và sự gia tăng về quy mô dân số, nhu cầu đi lại và sở hữu phương tiện cá nhân tại các đô thị tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, giao thông công cộng mới đáp ứng được khoảng 19,5% tổng lượng nhu cầu di chuyển của người dân.

7 yeu to quyet dinh lua chon xe buyt cua nguoi dan - Hinh anh 1
Lượng hành khách của xe buýt vẫn thấp hơn năng lực vận chuyển.

Trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ của xe buýt, dù đã cải thiện, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do đó lượng hành khách của xe buýt vẫn thấp hơn năng lực vận chuyển.

Thạc sĩ Vũ Thị Hường (Đại học GTVT) cho rằng: “Để xe buýt thật sự mang lại hiệu quả trong khai thác, cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân, chuyển sang sử dụng phương tiện VTHKCC. 

Để làm được việc đó, cần phải thấu hiểu thị hiếu tiêu dùng của hành khách trong việc lựa chọn phương tiện VTHKCC”. 

Theo Báo cáo “Nghiên cứu hành vi lực chọn phương thức VTHKCC bằng xe buýt của người dân TP Hà Nội” của nhóm tác giả Trường Đại học GTVT, quyết định lựa chọn phương tiện chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. 

Trong nhóm các yếu tố thuộc về nhân khẩu và đặc điểm kinh tế - xã hội, yếu tố số người thân trong gia đình sử dụng xe buýt có ảnh hưởng lớn nhất và tích cực đến hành vi lựa chọn phương tiện của người dân. Điều này phù hợp với văn hóa phương Đông trong việc ảnh hưởng lẫn nhau về lối sống, văn hoá trong phạm vi thân cận. 

Về ảnh hưởng của tuổi tác, khi tuổi càng lớn thì xác suất để người dân lựa chọn sử dụng xe buýt ngày càng giảm và ngược lại. Tương tự, khi thu nhập tăng, xác suất sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng giảm và ngược lại. 

TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho biết: “Nếu khoảng cách đi lại tăng, xác suất sử dụng xe buýt càng tăng và ngược lại. Với tình hình TNGT và ô nhiễm môi trường như hiện nay, đối với những đoạn đường xa thì sử dụng xe buýt là giải pháp phù hợp đối với người dân”. 

Đối với đặc điểm của phương tiện, tính hấp dẫn, lợi ích khi sử dụng của xe buýt càng cao, chất lượng dịch vụ càng tốt, xác suất để người dân sử dụng loại phương tiện này sẽ ngày càng tăng. 

Mặt khác, nếu người dân có thái độ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thì xác suất lựa chọn xe buýt của người đó sẽ tăng lên. Phương tiện xe buýt được coi là giảm thải, giảm tắc nghẽn giao thông do hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Về các rào cản ảnh hưởng đến lựa chọn sử dụng xe buýt của người dân, Thạc sĩ Hà Thanh Tùng (Đại học GTVT) chia sẻ: “Sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân làm giảm xác suất sử dụng phương tiện buýt của người dân. 

Những ưu điểm của phương tiện cá nhân luôn có tác động tiêu cực đến xác suất sử dụng xe buýt của người dân. Đây là một rào cản lớn trong việc thu hút mọi người lựa chọn xe buýt để di chuyển”.

Tăng tính hấp dẫn 

Thạc sĩ Vũ Thị Hường (Đại học GTVT) khẳng định: “Để thu hút được hành khách sử dụng xe buýt, cần tăng tính hấp dẫn của phương tiện, đồng thời hạn chế sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân. 

Có thể xem xét các giải pháp như: quy hoạch phạm vi hoạt động; hạn chế phạm vi hoạt động, gia tăng rào cản kinh tế và điều kiện hoạt động của xe cá nhân,... Cùng với đó là tạo cơ chế thuận lợi để người dân chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng”. 

Chất lượng đoàn xe cũng là một trong các yếu tố được hành khách rất quan tâm. Đoàn xe buýt được đầu tư mới trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt tiêu chuẩn khí thải Euro V và 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (LPG, CNG). 

Sự cải thiện này mang đến cho người dân trải nghiệm đi xe buýt không có tiếng ồn động cơ, không khói, không mùi nhiên liệu và êm ái so với những xe thông thường.

Góp ý về vấn đề này, TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho rằng: “Có thể sử dụng màu sắc hợp lý để phân loại các tuyến xe chuyên dụng, cải thiện sàn xe. Đồng thời nghiên cứu để bố trí không gian trong xe phục vụ cho người khuyết tật”.

Tiếp đến, cần xem xét các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải xe buýt, đặc biệt là khía cạnh thời gian chuyến đi, chất lượng nhà chờ và thái độ phục vụ của nhân viên. 

Thời gian di chuyển của những chuyến xe buýt quá dài, giữa các lượt chuyến vẫn còn khoảng trống, hành khách phải chờ đợi quá lâu do tắc đường,... khiến loại hình VTHKCC này chưa hấp dẫn người dân.

Để nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến buýt, đơn vị chuyên môn cần hợp lý hoá mạng lưới tuyến hiện tại, hạn chế tình trạng trùng lặp. Đồng thời mở rộng khu vực phục vụ, đi sâu vào nội đô để người dân dễ dàng tiếp cận loại hình vận tải công cộng này. 

Thạc sĩ Hà Thanh Tùng (Đại học GTVT) cho biết: “Cần xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn về quản lý hạ tầng xe buýt. Hệ thống bến bãi, nhà chờ cũng cần được xây dựng hoàn chỉnh, có quy mô và được quy hoạch phù hợp để gia tăng sự hấp dẫn của xe buýt, thu hút người dân”.

Bên cạnh đó, thái độ của nhân viên phục vụ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đánh giá của người dân đối với hình ảnh của xe buýt. Thái độ của lái xe, phụ xe niềm nở, chuyên nghiệp sẽ là cách để thu hút hành khách quay lại, tiếp tục sử dụng loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt trong những lần tiếp theo.

Một biện pháp khác là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác động của hành vi lựa chọn phương tiện giao thông đối với môi trường. Hình ảnh phương tiện vận tải xe buýt thân thiện với môi trường sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng.

Thạc sĩ Vũ Thị Hường chia sẻ thêm: “Do ảnh hưởng của yếu tố số thành viên trong gia đình sử dụng xe buýt khá lớn, vì vậy các chính sách trợ giá, đồng thời đơn giản hoá thủ tục, hình thành tuyến chuyên dụng để đưa đón học sinh… Qua đó sẽ thu hút, tăng cường mức độ tiếp cận của xe buýt với hành khách.

Công tác giáo dục và định hướng người dân về lợi ích của xe buýt đối với môi trường thông qua kênh người thân cũng cần được đẩy mạnh. Các con được học sẽ về chia sẻ với bố mẹ, người lớn có thể dạy trẻ em về lợi ịch khi sử dụng xe buýt…”. 

Ngọc Trang

 

Tin liên quan