85% người dân ủng hộ quy định thiết bị an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em đang được đưa ra lấy kiến cho dự thảo Luật đường bộ đã nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng. Hiện nay dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã chủ động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.

Thấy rõ lợi ích

Trong kỳ họp sắp tới Quốc hội dự kiến xem xét thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ, trong đó có nhiều dự thảo nâng cao ATGT tiệm cận với các quốc gia tiên tiến. Về lĩnh vực bảo vệ trẻ em, có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô và đai chở trẻ em trên xe máy.

Do đó, việc lắng nghe ý kiến dư luận, người dân về dự thảo quy định trên là rất quan trọng và cần thiết, giúp cơ quan xây dựng chính sách có thông tin để điều chỉnh sửa đổi phù hợp nhất.

Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đề xuất cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế), trẻ em cao dưới 135cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em.

Theo kết quả khảo sát được đưa ra trong một báo cáo kỹ thuật thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô tại Việt Nam do Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp cho thấy, chọn mức 10 tuổi là mức tiên tiến trên thế giới. Quy định về tuổi bảo đảm tính dễ thực thi và mang tính giáo dục cao. Lực lượng chức năng cũng có thể dùng hệ dữ liệu quốc gia để xác định độ tuổi của một cư dân trong trường hợp cần xác minh.

Về đối tượng, chỉ quy định với xe con cá nhân vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao. Khuyến khích (nhưng không bắt buộc) với các loại xe vận tải công cộng vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, sự khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em. Có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh.

85% nguoi dan ung ho quy dinh thiet bi an toan cho tre khi tham gia giao thong - Hinh anh 1
 Hiện nay dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã chủ động mua thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em. Ảnh minh họa

Về mặt kinh tế, chi phí một thiết bị an toàn ở mức 1.5-2 triệu/thiết bị, tương đương với 0.5% so với chi phí mua xe con tầm trung trên thị trường. Đây là mức mà phần lớn người sở hữu ô tô sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng chi trả dễ dàng. Thiết bị có thể điều chỉnh suốt quãng thời gian 1-10 tuổi bởi vậy chi phí đầu tư chỉ một lần. Bên cạnh đó, có dịch vụ cho thuê thiết bị để giải quyết lo ngại với những gia đình con đã gần 10 tuổi và không muốn đầu tư một thiết bị mới.

Về mặt kỹ thuật, có thể áp dụng đối với cả xe mới và xe cũ. Xe mới có Isofix có thể sẵn sàng lắp đặt ghế. Xe cũ chỉ cần dùng dây bảo hiểm cố định ghế trẻ em là có thể sử dụng.

Chủ động áp dụng

Trong kỳ họp vào tháng 5 này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT. Nếu quy định về thiết bị an toàn giao thông trên ô tô cho trẻ được xem xét thông qua thì lộ trình thực hiện dự kiến sẽ trong vòng 1-2 năm từ khi luật có hiệu lực. Quy định chuyển tiếp về lộ trình nhằm tuyên truyền và vận động để thay đổi nhận thức của người dân.

Nhận thấy lợi ích thiết thực cũng như lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn Đều (huyện Phú Xuyên) đã quyết định mua đủ ghế ngồi và xe nôi để các con di chuyển trên xe ô tô cùng gia đình an toàn hơn.

“Trước đây tôi cũng không quá để ý vấn đề về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em. Nhưng sau khi xem dự thảo luật, nhà tôi có hai con nhỏ một bé 6 tuổi và 1 bé 18 tháng nên tôi đầu tư luôn cho con. Đi đường dài vừa đảm bảo an toàn, vừa không phải bế con mà khi anh lớn em vẫn có thể tiếp tục sử dụng nên tính ra việc đầu tư không đắt”. – anh Nguyễn Văn Đều cho biết.

Anh Nguyễn Văn Phú (quận Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng: “Bảo vệ an toàn là cho chính bản thận chúng ta và gia đình, do đó, tôi ủng hộ quy định này và không băn khoăn khi sắm thêm thiết bị bảo đảm an toàn trên xe ô tô cho con. Cả người lớn và trẻ em khi tham gia giao thông đều cần phải được đảm bảo an toàn tốt nhất”.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ em. Việc thiếu hoặc thực thi chưa đầy đủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là sử dụng các thiết bị như mũ bảo hiểm, dây an toàn, thiết bị an toàn trên ô tô cũng là các nguy cơ góp phần tăng nguy cơ TNGT với trẻ em”.

Thương tích giao thông đường bộ ở trẻ em là gánh nặng quá lớn ở các nước có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em mỗi năm là một con số đáng báo động, cần gia đình và cộng đồng chung tay hành động để phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông cho trẻ em nói riêng và tình hình tai nạn giao thông trên cả nước nói chung.

 

Tin liên quan