Cần quy trình chặt chẽ
6 giờ 20 ngày 29/5, tài xế N.V.L lái xe ô tô 29 chỗ của trường Mầm non Hồng Nhung 2, tỉnh Thái Bình cùng một nữ nhân viên đón các em học sinh đến trường.
Khi đến trường, anh N.V.L. mở cửa xe ô tô cho các cháu tự đi vào lớp, sau đó, cho xe đỗ ở cổng trường rồi ra về.
Khi vào lớp, giáo viên lớp đã chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu T.G.H. nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến 17 giờ 30, vì trường có sự kiện tổng kết năm học nên gia đình đến đón con, lúc này mới phát hiện không thấy cháu T.G.H. và đi tìm. Do lái xe không có mặt tại hiện trường nên mọi người tìm cách phá cửa và phát hiện cháu đã tử vong.
Câu chuyện hôm ấy, nếu có thể nói “giá như” thì đã khác. Giá như lái xe kiểm tra lại toàn bộ không gian của xe trước khi xuống xe, khóa cửa. Giá như hôm ấy, quy trình điểm danh học sinh của giáo viên được thực hiện chặt chẽ, phát hiện học sinh vắng mặt phải gọi hỏi gia đình...thì bé T.G.H. đã có thêm cơ hội sống.
|
Phát hiện cháu học sinh 5 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Mầm non Hồng Nhung, Thái Bình. Ảnh: TTXVN |
Trước đó năm 2019, một bé trai 6 tuổi ở Hà Nội cũng bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong. Lái xe, giám sát học sinh và cô giáo chủ nhiệm bị truy tố, phạt tù vì các tội Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ vụ việc những năm gần đây về vấn đề đưa đón học sinh đi học cho thấy, quy định, quy trình chặt chẽ là vô cùng cần thiết. Bởi hầu hết các xe đưa đón học sinh hiện nay đều do các nhà trường tự tổ chức và ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Vấn đề luật hoá xe đưa đón học sinh mới được đưa ra thảo luận trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT đang được trình Quốc hội.
Theo đó, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đề xuất ô tô kinh doanh vận tải được kết hợp đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (nếu là ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên không kể chỗ của người lái xe). Trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón. Chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, báo cáo cơ quan quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh, TP về việc tổ chức đưa đón học sinh.
Sự cẩn trọng trong từng khâu
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, quy định, quy trình chặt chẽ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là sự cẩn thận trong từng khâu thực hiện.
Đối với cơ quan quản lý đó là việc quy định chặt chẽ về điều kiện tổ chức xe đưa đón, trách nhiệm của các bên liên quan, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổ chức xe đưa đón học sinh thường xuyên...
Đối với nhà trường, đó là việc thực hiện tổ chức quản lý xe đưa đón, tuyển chọn nhân sự, xây dựng và đào tạo, giám sát quy trình thực hiện đưa đón trẻ...
Đối với lái xe, người đưa đón học sinh, đó là thái độ làm việc, tính trách nhiệm và việc thực hiện nghiêm các quy định khi đưa đón trẻ bằng xe ô tô. Thực hiện đúng, đủ các quy trình trước, trong và sau khi đón trẻ đến trường.
Đối với những xe có nhiều chỗ ngồi như xe khách, xe đưa đón học sinh việc đi kiểm tra toàn bộ các ghế ngồi là điều cần thiết trước khi xuống và khóa cửa xe. Việc này vô cùng quan trọng bởi có thể trẻ đang nằm ngủ hoặc ngồi lấp sau ghế sẽ khó phát hiện và dễ bị bỏ quên.
Đối với gia đình có trẻ di chuyển tới trường bằng xe đưa đón, người thân cần lưu ý thời gian di chuyển, theo dõi cập nhật phần mềm (nếu có) hoặc gọi điện xác nhận ngay với cô giáo xem học sinh đã tới trường chưa.
Theo các chuyên gia y tế, thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3-5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, đối với những người hay quên hoặc để đề phòng tình huống bị quên do phân tâm vì bị một việc bất ngờ nào đó làm sao nhãng, có thể dán một dòng chữ cảnh báo trên xe ở vị trí dễ thấy để nhắc nhở các việc cần làm trước khi xuống xe.
Lâu dài hơn, theo các chuyên gia giao thông, cần phải phát triển hoạt động xe đưa đón thành dịch vụ chuyên biệt.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, đối với xe đưa đón học sinh, cần trang bị camera giám sát trong xe, có các nút báo động, liên lạc khẩn cấp.
Bên cạnh việc đào tạo bài bản cho lái xe, nhân viên đưa đón, học sinh đăng ký sử dụng xe đưa đón của nhà trường phải được đào tạo kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu cơ bản, tìm và sử dụng các thiết bị để cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Việc lắp thiết bị báo động là rất cần thiết và phải hướng dẫn các em biết cách bấm được báo động trong xe khi gặp sự cố để những sự việc đáng tiếc, đau lòng không còn tái diễn - thạc sỹ Đỗ Cao Phan nhấn mạnh.