|
Hiện nhu cầu kiểm định xe cơ giới tại Hà Nội và TP.HCM đang trong tình trạng cầu vượt cung.
|
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Theo nội dung dự thảo, Chính phủ quyết nghị: Cho phép áp dụng ngay một số quy định liên quan đến đăng kiểm viên và số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Cụ thể như sau: Mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra;
Học viên thực tập để trở thành đăng kiểm viên cần tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu ô tô) từ 36 tháng trở lên cần tối thiểu 3 tháng thực tập; từ 24 tháng đến dưới 36 tháng cần 6 tháng thực tập; từ 12 tháng đến dưới 24 tháng cần 9 tháng thực tập (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng về thời gian trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa).
Đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ (kể cả các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ) được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày tùy thuộc vào năng lực và thời gian làm việc thực tế của đơn vị đăng kiểm.
Cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 1 tháng hoặc 3 tháng (theo quy định tại Điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện quy định hiện hành về cơ sở vật chất, nhân lực.
Cùng đó là các nội dung: Cho phép sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực kiểm định (đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nghiệp vụ và được sử dụng như đăng kiểm viên xe cơ giới) của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới thực hiện kiểm định xe cơ giới dân sự.
Cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và có trang thiết bị đáp ứng QCVN 103:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới) được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Cùng với các giải pháp trên, dự thảo nghị quyết đề cập trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cung ứng dịch vụ đăng kiểm, tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Trong đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Bố trí, điều động lực lượng đăng kiểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bộ Công an hướng dẫn các lực lượng chức năng chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày và chỉ di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải).