Tử thần rình rập
Như báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, khoảng 8h05 ngày 25/7 trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua chợ 312, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe container.
Vào thời điểm trên, xe container BKS 50H - 058.81 kéo theo rơ moóc BKS 51R - 095.11 do tài xế Hoàng Văn Nghĩa điều khiển đã xảy ra va chạm với xe BKS 50H - 450.00 kéo theo rơ moóc BKS 61R - 016.88 lưu thông cùng chiều phía trước.
Sau cú va chạm mạnh, xe container BKS 50H - 058.81 mất lái tông vào 5 nhà dân bên đường theo hướng lưu thông khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương nặng.
Trước đó, vào tháng 6/2020, cũng tại địa điểm này đã xảy ra vụ va chạm giữa ô tô tải BKS 69C - 051.59 do tài xế Ngô Văn Bền điều khiển theo hướng Đắk Nông - Đắk Lắk với xe container BKS 51D - 498.44 kéo theo rơ moóc BS 51R - 229.09 lưu thông cùng chiều phía trước, rồi tiếp tục tông vào xe tải 47C - 125.70 khiến chiếc xe này mất lái tông vào nhiều ô tô và xe máy khác trước khi lật bên lề đường. Vụ tai nạn khiến 5 người chết, 5 người bị thương.
Trong những năm qua, tại nhiều địa phương khác trên cả nước xảy không ít vụ tai nạn liên hoàn do xe đâm vào chợ như: vụ tai nạn diễn ra ngày 9/1/2021 tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, xe ô tô BKS 15A - 310.39 đi theo hướng từ đường khu ẩm thực chợ Ba Toa thuộc địa phận thôn Núi 1, xã Thuỷ Đường về hướng ngã tư thị trấn Núi Đèo va chạm với người đi bộ, 5 xe máy, 1 xe đạp điện, 1 xe đạp khiến 7 người bị thương.
Ngày 3/8/2019, một xe khách của nhà xe Văn Năm chạy trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Pleiku - Đắk Lắk. Khi đang lưu thông đến thị trấn Chư Sê phát hiện 1 người đàn ông đi xe máy băng ngang qua đường đột ngột nên đánh tay lái, lao vào khu vực chợ khiến 5 người thương vong.
Nguyên nhân các vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là do người điều khiển phương tiện thiếu tập trung, vượt quá tốc độ hoặc phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật... Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy, việc họp chợ họp ven đường rất nguy hiểm. Chỉ một sơ suất của những lái xe hay người đi đường, sự cố tai nạn giao thông có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Hiện nay, dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí là huyện lộ, đường liên xã tình trạng họp chợ trên vỉa hè sát lòng đường vẫn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, chợ cứ theo đó mọc lên. Nhiều nơi bất chấp phương tiện giao thông qua lại, người bán kẻ mua tràn ra cả lề đường gây nhốn nháo trật tự đô thị.
Vụ tai nạn thảm khốc do xe tải lao vào chợ bên đường ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa qua lại một lần nữa cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn của loại hình họp chợ ven đường này.
Hành động cương quyết
Theo các chuyên gia, có một thực tế là nhiều người vẫn giữ thói quen mua hàng ở những chợ họp ven đường bởi hàng hoá rẻ, phù hợp với thu nhập. Người bán đa số là hộ có thu nhập thấp, bán sản phẩm của nhà làm ra ở ven đường để đỡ tiền mặt bằng. Người mua thì tiết kiệm thời gian, ngồi trên yên xe rê chân một đoạn là xong buổi chợ.
Mặc dù nhiều địa phương đã tích cực huy động lực lượng ra quân dẹp chợ cóc, nhưng do chỉ là giải pháp tình thế nên chợ tạm chỉ tan một thời gian rồi lại họp như cũ.
Theo lực lượng chức năng, chợ họp ven đường rất khó xử lý bởi người bán hàng thì mang tâm lý “mưu sinh”, khi bị đuổi thì chạy, chạy xong vẫn trở lại bán, chạy không được bị bắt chấp nhận chịu phạt rồi tiếp tục bán.
Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại bởi lực lượng kiểm tra còn mỏng, trong khi ý thức của cả người bán và một bộ người mua về đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa cao.
Nhìn nhận việc kéo giảm tai nạn giao thông là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong năm 2024 bởi 6 tháng qua số vụ tai nạn giao thông và người bị thương gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn.
Trong phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông, kể cả những người không tham gia giao thông nhưng làm ảnh hưởng giao thông như người bán hàng trên vỉa hè, ven đường là rất quan trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng và chủ động trong thẩm quyền được giao.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, chợ họp ven quốc lộ, buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ là thực trạng nhức nhối diễn ra nhiều năm. Để trả lại hành lang an toàn đường bộ và không để xảy ra các tai nạn thương tâm cần sự vào cuộc quyết liệt và kiên trì của các địa phương.
Trước mắt, tại những điểm chợ sát đường các địa phương cần phát quang cây cối, lắp đặt thêm biển đèn led cảnh báo nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, biển hạn chế tốc độ đối với từng loại phương tiện, sơn thêm gờ giảm tốc, gờ chắn bánh xe, vạch kẻ đường, camera xử lý phạt nguội để nhắc nhở tài xế.
Đồng thời, tổ chức truyền thông để người bán và người mua hiểu rõ về những nguy hiểm khi họp chợ mua bán tại những nơi có mật động giao thông cao.
Về lâu dài, cần bố trí quỹ đất và huy động các nguồn đầu tư để hình thành chợ dân sinh ở những vị trí thuận lợi, phù hợp, đảm bảo an toàn; mở thêm các cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đặc biệt là ở những khu vực nhà máy, nơi đông công nhân nhu cầu mua sắm và đi lại lớn.
Đồng thời lực lượng chức năng cần hành động với thái độ cương quyết, không chần chừ khi cưỡng chế, di dời chợ; tổ chức giám sát chặt chẽ không để tái diễn chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán khi đã giải tán. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm vấn nạn họp chợ ven đường.
Huyền Sâm