Đừng coi nhẹ trạm dừng nghỉ trên cao tốc

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Khi lưu thông trên cao tốc, ăn có thể chậm muộn nhưng nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân là nhu cầu bức thiết và cần có sự ưu tiên. Nhiều người dân và lái xe cảm thấy rất bức xúc khi nhu cầu này chưa được đáp ứng đầy đủ và đúng chuẩn trên nhiều tuyến cao tốc.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu: cơ quan quản lý ngành giao thông đánh giá đúng mức vai trò của "công trình phụ" trên cao tốc.

Nhu cầu bức thiết

Theo quy hoạch tầm nhìn đến 2050, cả nước có 41 tuyến cao tốc, tổng chiều dài khoảng 9.014km. Tính đến tháng 4/2024, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.001km. Điều này cho thấy, hệ thống đường cao tốc Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Việc nối thông nhiều vùng miền kéo theo nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa của các DN tăng mạnh.

Hành trình thông suốt trên cao tốc với lưu lượng giao thông cao, vận tốc lớn, đòi hỏi tài xế phải tập trung cao độ hơn. Nếu không được nghỉ ngơi giữa chặng và tái tạo tinh thần, việc lưu thông thời gian dài khiến tài xế vô cùng mệt mỏi, gây ức chế tâm lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro giao thông.

Đáng nói, nhiều tuyến cao tốc hiện nay còn thiếu, thậm chí không có trạm dừng nghỉ khiến người dân và tài xế di chuyển trên cả tuyến đường dài không có nơi nghỉ chân, đi vệ sinh. Ví dụ như một số tuyến cao tốc: Hạ Long - Móng Cái; Bắc Giang - Lạng Sơn; Trung Lương - Mỹ Thuận; Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Mới đây mạng xã hội Facebook đã đăng tải bài viết trên nhóm cộng đồng xe kể về một tình huống của chủ xe, có tài khoản Hai Lúa, khi dừng xe đi vệ sinh bên đường đã bị phạt nguội 11 triệu đồng tại Km15 +715, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hình ảnh ghi lại vi phạm phạt nguội cho thấy, tài xế dừng xe vì nhu cầu bức thiết là cần đi vệ sinh.

Bài viết nhận được hàng ngàn lượt tương tác và bình luận về tình huống này. Dẫu mọi người đều biết, không nên dừng xe nhưng với hành trình dài đây là tình huống bắt buộc không mong muốn, người lái xe phải dừng nghỉ, đi vệ sinh khi cơ thể đòi hỏi. Hay như vụ việc ngày 25/3 vừa qua, tại Km 10+800 cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Đội cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát số 4 phát hiện tài xế Huỳnh Văn T (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) điều khiển ô tô kéo theo sơ mi rơ moóc dừng đỗ trên đường nhưng không đặt biển cảnh báo theo quy định. Làm việc với tổ công tác, tài xế T nói rằng "do buồn ngủ quá nên tấp xe vào nằm nghỉ một lúc".

Tổ công tác đã nhắc nhở, lập biên bản về hành vi dừng đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định. Với lỗi này, tài xế bị phạt 10 - 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng. Đội cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát số 4 cho biết, nhiều ô tô dính phạt vì dừng xe để ngủ trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Hành vi dừng đỗ không đúng quy định trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt với cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe.

Việc nhiều tuyến cao tốc khai thác đã lâu nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ đã đem đến nhiều bất tiện cho tài xế trên hành trình, thậm chí là nguyên nhân gây nên tình trạng mất an toàn giao thông. Do bị coi là "công trình phụ" trên tuyến đường khiến trạm dừng nghỉ ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức, hầu hết còn phân mảnh và tồn tại nhiều bất cập. Đã đến lúc phải xem xét lại tư duy đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc để đáp ứng nhu cầu bức thiết của tài xế và người dân, qua đó góp phần quan trọng bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.

Quan tâm đúng mức

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho biết, trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình không thể thiếu thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc cao tốc để bảo đảm nhu cầu nghỉ ngơi của người dân và tài xế trên những hành trình dài.

Liên quan đến vấn đề đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Trong đó yêu cầu: khu vệ sinh phải có diện tích ≥ 3% tổng diện tích xây dựng; có nơi vệ sinh phục vụ người khuyết tật theo QCVN 10:2014/BXD. Đặc biệt, số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư… Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm, gồm: các công trình dịch vụ công (cung cấp dịch vụ miễn phí), công trình dịch vụ thương mại và những công trình bổ trợ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, nước ngoài có tư duy làm trạm dừng nghỉ cao tốc rất hay và đáng học hỏi. Với họ, trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu cơ bản của con người như vệ sinh, nghỉ ngơi mà còn là nơi thư giãn tinh thần sau một hành trình dài.

“Ở Nhật Bản và một số nước châu Âu rất chú trọng đến việc tạo ra cảnh quan, trải nghiệm mới cho tài xế ở mỗi điểm dừng chân theo phong cách khác nhau. Hành khách không chỉ nghỉ ngơi mà còn có thể mua sắm, trải nghiệm các sản vật và các món quà lưu niệm của địa phương như một điểm du lịch mini trên hành trình” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, trạm dừng nghỉ cao tốc không chỉ có ý nghĩa trong việc kiềm chế tai nạn giao thông, bởi tài xế được tái tạo năng lượng và tinh thần tốt để sau khi nghỉ ngơi có thể tập trung bảo đảm an toàn cho cả chuyến đi, ngoài ra còn có ý nghĩa với việc gia tăng trải nghiệm cho người dân.

 

Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có tư duy khác đi trong việc đầu tư các trạm dừng nghỉ. Thay vì một trạm dừng nghỉ đơn điệu, chúng ta có thể học hỏi mô hình cách làm các nước để xây dựng tổ hợp dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu đổ xăng - sạc điện, nghỉ chân - vệ sinh, ăn uống - mua sắm của người dân, du khách. Việc đầu tư trạm dừng nghỉ cần được triển khai song song, đưa vào dự án xây dựng trên các tuyến cao tốc ngay từ đầu; với những tuyến đã chậm muộn nên sớm có phương án bổ sung.

Trước mắt, việc Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc đã tạo một bước đệm pháp lý vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan cần nhanh chóng bắt tay đưa quy hoạch vào hiện thực sớm chừng nào, tốt chừng đó.

Nếu trạm dừng nghỉ được xây dựng như một điểm đến được mong chờ của hành khách trên mỗi chặng hành trình, nó không chỉ là một nơi nghỉ ngơi, mà còn là nơi hành khách rút hầu bao để mua sắm các sản vật, quà lưu niệm của địa phương. Thậm chí là cả các món đồ dùng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trên đường, góp phần quảng bá và kích cầu du lịch, kinh tế.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Huyền Sâm


Tin liên quan